Giam Nàng Trong Trướng - Tụ Tụ Yên

Chương 23: Đêm mưa lạnh lẽo




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Ba chữ “Dương nương tử” lọt vào tai Tống Hành, hắn chậm rãi đứng dậy, tùy tiện gác tay lên thành lan can, mắt phượng hẹp dài chăm chú nhìn nữ lang trên sân khấu dưới lầu.

Nàng ngồi xuống ghế nguyệt nha bằng gỗ thông đỏ, trong lòng là cây đàn tỳ bà tương đối cũ kỹ, tiếng đàn biến hoá theo những ngón tay ngọc thon dài như búp măng nhẹ nhàng thoát ra, du dương thoải mái, trong trẻo dễ nghe.

Những vị khách dưới sân khấu chợt an tĩnh lại, yên lặng nghe tấu khúc.

Đó là bản nhạc “Mạch tang” thời Hán.

Tống Hành đứng dậy dựa vào lan can, hắn khẽ nheo mắt nhìn nàng tấu xong khúc nhạc. Dưới lầu truyền chợt đến tràng pháo tay cùng tiếng hoan hô, giục nàng chơi thêm khúc nhạc khác.

Tấm thịnh tình ấy khiến Thi Yến Vi không thể chối từ, nàng thoáng suy nghĩ, ngón tay đặt lên dây đàn, gảy bản “Đường cung hồ tuyền khúc” do một vị học tỷ sinh hoạt chung câu lạc bộ sáng tác ra. Tiếng đàn âm vang mạnh mẽ, như ngọc châu rơi vào mâm, bình bạc va vào nhau, khiến người ta chợt có ảo giác như lạc vào dạ yến trong cung điện thời Đường mà bên trên yến hội, vũ công người Hồ đang đắm mình, xoay tròn nhảy múa theo làn nhạc.

Như tìm được ký ức đẹp đẽ trong tiếng đàn, Thi Yến Vi khẽ vuốt dây đàn, mỉm cười đong đưa theo nhịp tiết tấu, khi thì nhu thuận, khi thì ngửa đầu, khi thì khép hờ đôi mắt, cho đến khi kết thúc bản nhạc mới vuốt mạnh ở giữa dây đàn, tiếng đàn đột nhiên im bặt.

Thi Yến Vi đứng dậy thi lễ, ôm tỳ bà đi xuống sân khấu. Ai nấy đều như bừng tỉnh khỏi giấc mộng, khẩn cầu nàng lại tấu thêm một khúc. Thi Yến Vi cũng không màng tới, khẽ cười nói tiếng cảm ơn rồi ôm tỳ bà, cũng không quay đầu lại rời khỏi nơi này.

Hoàng Tứ nương mặc một chiếc áo ngắn eo cao sáng màu, bước ra khỏi bước bình phong bằng gấm hoa văn mai rùa kéo tay nàng, mỉm cười trêu ghẹo, “Dương nương tử chẳng những đàn hay lại còn có tướng mạo hơn người, sao cứ phải ru rú trong nhà bếp toàn mùi khói củi dầu mỡ. Chỉ cần cô đồng ý đi phường ca vũ đàn mấy bản nhạc mỗi ngày, đảm bảo có không ít lang quân nguyện dâng lên vàng thật bạc trắng cho cô.”

Lời vừa nói ra, Thi Yến Vi lập tức nghiêm mặt, điềm đạm nói: “Chẳng nhẽ Tứ nương thực sự nghĩ những lang quân kia đều sẵn lòng cho không vàng bạc? Ngoài mặt xem cô là tri âm tri kỷ nhưng sau lưng chỉ toàn tính toán chuyện phong nguyệt dơ bẩn. Ta cho rằng Tứ nương biết rõ suy nghĩ lệch lạc của đám nam nhân này nên mới cùng Nhị nương, Tam nương mở tửu lâu đàng hoàng, kiếm kế sinh nhai.”

Hoàng Tứ nương hối hận, đáng ra không nên nói đùa với nàng như vậy bèn vội vàng ngưng cười xin lỗi nàng, vừa sốt ruột vừa lo lắng nói: “Ta uống hai chén rượu nên mới nói ra mấy lời không đàng hoàng, Dương nương tử nhất định đừng để trong lòng nhé. Nếu cô không chịu tha lỗi thì khi nào về nhà cô, cô lại phạt ta ba chén rượu nữa có được không? Phạt ta uống rượu gì đều do cô định đoạt.”

Thi Yến Vi nghe vậy, sắc mặt liền hòa hoãn, nói tiếp: “Ta đương nhiên biết cô không có ý gì, chỉ đang nói đùa thôi. Nhưng sau này tốt nhất Tứ nương cũng đừng nói thế với người khác.”

Nàng vừa dứt lời, Hoàng Tứ nương đã vội vàng gật đầu, nói một cách chân thành: “Được, sau này ta không nói mấy lời hồ đồ đó nữa, nếu còn có lần sau ta sẽ cắn phải đầu lưỡi.”

Tống Hành ngưng thần dõi theo bóng lưng vừa rời đi của Thi Yến Vi cho đến khi mất hút sau tấm bình phong mới sai Phùng Quý tính tiền, bản thân hắn thì khoanh tay xuống lầu, sải bước rời khỏi Thanh Phong Phố.

Trong đó có không ít lang quân sĩ tộc nhận ra Tống Hành, bọn họ cung kính chắp tay trước ngực hành lễ liên tục với hắn, ai nấy đều có vẻ rất ngạc nhiên.

Phùng Quý lên ngựa, im lặng đi theo Tống Hành, đi thẳng về Tống phủ.

Giờ đã là tiết Tiểu Thử [1] tháng sáu, thời tiết cực kỳ oi bức, Phùng Quỳ sai người đi lấy thêm băng, đưa vào thư phòng.

[1][1] tiết Tiểu Thử: Tiết Tiểu Thử được hiểu theo từ điển Hán – Việt là nắng nóng ở mức nhẹ, trong đó “Tiểu” là nhỏ còn “Thử” là nắng nóng. Tiết Tiểu Thử là tiết khí thứ 11 trong tổng số 24 tiết khí, thường xuất hiện sau tiết Mang Chủng và trước tiết Đại Thử.

Phùng Quý cúi đầu cẩn thận để ý nhất cử nhất động của Tống Hành. Hôm nay dù nhìn thấy Dương nương tử nhưng gia chủ dường như không hề vui mừng, sắc mặt vẫn khó coi như cũ, mày kiếm trên thái dương hơi cau lại, như thể đang ngẫm nghĩ chuyện gì.

“Lại đây mài mực.” Tống Hành lạnh lùng ra lệnh.

Phùng Quý nhận lệnh, lập tức mang mực Huy Châu mài trên nghiên mực chân thú tráng men trắng, Tống Hành cầm bút điểm mực, nét chữ như rồng bay phượng múa, mạnh mẽ hữu lực rơi xuống giấy Tuyên Thành trắng như tuyết.

Những đám mây trắng dần tan đi, Thanh Phong Phố buồn không chịu thấu.

Giữa những dòng chữ chằng chịt, trong mắt Phùng Quý chỉ còn lại mỗi ba chữ “Thanh Phong Phố”, chợt hiểu ra vì sao ngài buồn rầu.

Phùng Quý hai tay nắm thành nắm đấm, nuốt ngụm nước miếng, cẩn thận từng li từng tí dò thử: “Xưa nay anh hùng khó qua ải mỹ nhân, nếu gia chủ không thể bỏ qua cho Dương nương tử được thì ngại gì dùng chút thủ đoạn…”

Lời còn chưa nói xong, ánh mặt lạnh lùng sâu thẳm như hầm băng đã rơi xuống người Phùng Quý, hắn sợ đến mức yết hầu nhấp nhô lên xuống, kịp thời nuốt lấy những lời chưa nói ra.

Một lúc sau, hắn lại dùng lý do khác giải thích: “Dương nương tử lẽ ra phải đeo vàng đeo bạc chứ không nên vất vả chịu đựng cuộc sống ngoài kia? Huống hồ nàng bơ vơ không nơi nương tựa, trời sinh lại có vẻ bề ngoài hơn người, nếu ngày nào đó bị tên hoàn khố nào nhìn trúng rồi chiếm đoạt, há chẳng phải dê vào miệng cọp sao? Nàng làm thiếp của gia chủ, sau này được gia chủ che chở, vinh hoa phú quý, ăn sung mặc sướng vô cùng, nghĩ đi nghĩ lại vẫn thấy đó cũng là may mắn của nàng. Gia chủ còn cố kỵ điều gì nữa?”

Tống Hành im lặng không đáp, chỉ trầm giọng lệnh hắn ra ngoài.

Ngày hôm đó, La Tín cùng đích thứ nữ La Ngũ nương La Doanh đặt chân đến phủ Thái Nguyên, Tiết phu nhân liền đích thân ra tới cửa để nghênh đón.

La Tín ra hiệu để La Doanh tiến lên, hạ thấp người hành lễ với Tiết phu nhân “Nhi bái kiến Thái phu nhân, Thái phu nhân vạn phúc.”

Tiết phu nhân bảo nàng không cần đa lễ, nhìn từ trên xuống dưới quan sát một lượt, thấy nàng dáng điệu phong lưu, thân hình thướt tha đẫy đà, mặt như chậu bạc mắt như điểm sơn, mũi cao thẳng môi đỏ căng mọng, mái tóc đen nhánh được búi thành kiểu song hoàn vọng tiên, [2] cài trâm kim phượng hợp với đóa mẫu đơn đỏ thắm, xem ra còn đẹp hơn ba phần so với Dương nương tử, đến mỹ nữ xinh đẹp nhất trong tranh cũng không thể sánh bằng mỹ mạo nàng.

[2][2] Chú thích hình ảnh đặt ở cuối chương

Dù chỉ mới mười sáu tuổi nhưng quả xứng với mỹ danh diễm lệ chấn động phương bắc.

“Bên ngoài trời nắng nóng lắm, mau mau vào phủ thôi.” Tiết phu nhân đang nói thì đã có vú già bung dù giúp La Doanh che nắng.

Đoàn người vào đến phòng khách, tỳ nữ phụng trà lạnh mời hai cha con nàng giải nhiệt. Tiết phu nhân cười hỏi nàng xưa nay thích đọc thi thư ai viết, thích ăn gì uống loại trà rượu nào, rồi có biết chơi mã cầu, ném thẻ vào bình rượu, xúc cúc không.

La Doanh đáp từng câu một, cũng không nói thêm bất kỳ lời dư thừa nào.

Đến giờ Tuất, Tống Hành mới rời quan thự, vội vã hồi phủ.

Tiết phu nhân cười tủm tỉm giới thiệu La Ngũ nương với Tống Hành. Tống Hành không có vẻ gì là hào hứng, La Ngũ nương kia nhìn cũng không quá nhiệt tình, hai người chào hỏi có lệ rồi lần lượt ngồi xuống, bầu không khí thoạt nhìn có chút nặng nề.

Sau bữa tối, Tiết phu nhân lệnh tổ chức một buổi tiệc nhỏ để làm nóng bầu không khí, lúc này vợ chồng Tống Thanh Âm hay Thi Yến Vi đều không có mặt, đối diện với băng sơn mỹ nhân hoàn toàn xa lạ, Tống Thanh Hòa cũng không quá thích thú, bữa tiệc nhàm chán ấy kết thúc khi diễn ra chưa được nửa canh giờ.

Hai cha con nàng ở lại Tống phủ trong vòng ba ngày, sau đó khởi hành trở về Ngụy Bác. Tống Hành tự mình tiễn tới cổng thành rồi quay đầu ngựa về doanh.

Đêm tới, Tiết phu nhân sai Thụy Thánh đến Thối Hàn cư mời Tống Hành lại đây nói chuyện.

Lúc Thụy Thánh trở lại, nàng mồ hôi đầm đìa, thở hổn hển nói: “Hồi bẩm Thái phu nhân, gia chủ vẫn chưa trở về. Phùng Quý nói hai ngày này việc nhiều nên có lẽ ngài sẽ về chậm hơn bình thường.”

Tiết phu nhân khẽ cau mày, vẫy tay ý bảo nàng lui ra.

Mấy ngày liên tiếp sau đó, phải đến canh hai Tống Hành mới về phủ.

Gần đây giữa Tuy Ninh và Phượng Tường xảy ra nhiều mâu thuẫn, hai vị tiết độ sứ đều lăm le địa bàn của đối phương. Phượng Tường ỷ vào giao hảo với Tây Đạo Sơn Nam nhiều lần khiêu khích Tuy Ninh, ý đồ khiêu chiến. Tiết độ sứ Tuy Ninh sợ không địch nổi quân Phượng Tường, gấp rút đưa thư, thỉnh cầu Tống Hành xuất binh tương trợ.

Tống Hành thương nghị với quân sư, Trình Diễm cùng những người khác, e sợ Tuyên Võ quân thừa cơ gây chuyện, liền phái Tống Duật lĩnh hai vạn binh mã đóng giữ Chiêu Nghĩa trước, đề nghị tiết độ sứ Tuy Ninh dùng tiền bạc gấm vóc dụ dỗ tiết độ sứ Thiên Hùng để hắn phái hai vạn binh tấn công Phượng Tường từ cánh trái, được vậy thì trận này tất thắng.

Đợi đến khi nhận được tin chính xác từ Tuy Ninh, Tống Hành điểm ba vạn binh mã, xuôi theo quan đạo Hạ Tuy, tiến về Tuy Ninh.

Sáng sớm hôm sau, trời vừa hửng sáng, Tiết phu nhân đã dậy từ rất sớm, đích thân chỉnh lại khôi giáp cho hắn, dịu dàng dặn dò hắn nhất quyết đừng khinh địch, cẩn thận đao kiếm. Bà tiễn hắn tới cửa phủ, dõi mắt nhìn theo đến lúc không thể nhìn thấy nữa mới chịu quay về.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, chớp mắt đã đến hạ tuần tháng bảy, cái nóng dần dần rút xuống, sương trắng lan tràn.

Tống Hành đại thắng trở về. Trận này tuy thắng nhưng cũng không phải hoàn toàn không gặp khó khăn, quân Phượng Tường có không ít mãnh tướng, khiến thắt lưng cùng cánh tay Tống Hành đều bị thương.

Khi đại quân về tới nơi đóng quân đã là chạng vạng tối, bầu trời ẩm ướt mưa thu. Tống Hành từ biệt tướng sĩ, không chịu để người đưa tiễn mà phủ thêm áo tơi đấu lạp, một mình rời khỏi quân doanh, tiến vào thành.

Lúc này, cổng thành đã đóng lại. Binh lính trông coi cửa thành thấy ngư phù trong tay hắn liền lập tức mở cửa, thập phần cung kính chắp tay khom lưng hành quân lễ với hắn.

Tống Hành nhìn lướt qua hắn, cưỡi ngựa không nhanh không chậm rảo bước qua cổng thành, hắn giơ roi giục ngựa chạy như băng trên đường rồi bỗng quay đầu ngựa, đi ngược về phía khu phố bên bờ sông Phần.

Hậu viện tửu quán, Thi Yến Vi kết thúc một ngày làm việc, thay y phục rửa mặt rồi ôm tỳ bà luyện khúc nhạc Liễu Tam nương mới sáng tác.

Ngoài cửa sổ mưa rơi tí tách. Thi Yến Vi ôm tỳ bà ngồi xuống ghế nguyệt nha kê sát cửa sổ, ánh nến vàng cam phản chiếu bóng nàng trên cửa sổ. Gió thu ban đêm thổi qua khe hở khiến ánh nến chợt dao động, cái bóng hắt trên song cửa cũng theo đó lắc lư.

Liễu Tam nương tắm rửa xong nghe thấy tiếng đàn liền mặc quần áo đi đến phòng Thi Yến Vi, vừa xách váy xuống đến lầu ba thì thấy một cánh cửa sổ ở hành lang còn chưa được đóng, ngoài trời lại đang mưa to gió lớn liền tiến đến định đóng cửa sổ.

Vừa chạm vào then cài thì chợt thấy trong màn mưa, ở ngã tư đường không một bóng người là một người một ngựa. Ngồi trên lưng đại mã có lẽ là vị lang quân vóc người cao lớn, hắn đội đấu lạp che đi nửa khuôn mặt nên không thể nhìn thấy rõ ràng.

Không hiểu sao Liễu Tam nương lại nghĩ tới vị lang quân nàng tình cờ nhìn thấy trước cửa bếp ngày ấy.

Tiện tay tháo then cài xuống, đặt cạnh cửa sổ.

Liễu Tam Nương nhẹ nhàng gõ cửa, Thi Yến Vi hỏi là ai, Liễu Tam nương cao giọng trả lời.

Thi Yến Vi nghe thấy giọng của nàng, đặt tỳ bà xuống đứng dậy mở cửa, cái bóng lên cửa sổ cũng đột nhiên biến mất.

“Dương nương tử không biết đấy chứ, dưới kia có một quái nhân. Đêm đã khuya trời lại đang mưa to, cũng sắp vào thu rồi, chẳng nhẽ y không thấy lạnh sao?” Liễu tam nương vừa đi vào vừa kinh ngạc nói.

Lời vừa nói xong, Thi Yến Vi đã mở cửa sổ nhìn xuống thì ngã tư đường đã không một bóng người, nào thấy quái nhân nào đâu.

Thi Yến Vi lại khép cửa lại, cười nói: “Cô mới nói y là quái nhân thì y liền đi. Có câu “vừa nhắc Tào Tháo, Tào Tháo đã đến”, còn nàng thì đúng là “vừa nhắc Tào Tháo, Tào Tháo đã đi”.”

Tống Hành rời khỏi Thanh Phong Phố, phi một mạch về Tống phủ. Lúc này sắc trời đã tối, trên bầu trời mây đen giăng kín mặt trăng.

Tiết phu nhân đang định tắm rửa thay quần áo thì chợt nghe tỳ nữ đột nhiên đến báo gia chủ đã về.

Sơ Vũ lại nói: “Giờ đã khuya lắm rồi, Thái phu nhân yên tâm ngủ đi ạ. Sáng mai đương nhiên gia chủ sẽ tới đây.”

Biết hắn đã về nên Tiết phu nhân cũng cảm thấy nhẹ nhõm, gật đầu, được Sơ Vũ đỡ lên giường, ngủ một giấc ngon lành.

Thối Hàn cư.

Ban đêm mùa thu trời lạnh, Phùng Quý sợ Tống Hành bị cảm lạnh nên sai Thương Lục đi nấu một chén trà gừng ấm nóng cho hắn, lại sai người chuẩn bị nước ấm.

Tống Hành cởi áo tơi đưa cho Phùng Quý, trầm giọng phân phó: “Sáng mai đi khố phòng xem khối gỗ tử đàn kia có còn ở đó không, nếu còn thì tìm thợ thủ công lành nghề làm thành đàn tỳ bà khảm trai, tốn bao nhiêu tiền cũng được, chỉ cần làm càng nhanh càng tốt. Nếu không được nữa thì dùng số tiền lớn mua một cây tỳ bà khảm trai từ gỗ đàn thượng hảo nhất ở cửa hiệu về đây.”…

*

Chú thích hình ảnh:

[2] búi tóc song hoàn vọng tiên