Gót sen nhẹ nhàng, nàng mặc trung y lụa bạch nguyệt, áo chẽn tay ngắn màu thiên thanh, quân lục la eo cao buộc thắt lưng hoa văn quả hồng, tóc đen như mực búi kiểu giao tâm kế, giữa hai bên tóc chỉ là hai đóa hoa làm từ lụa mỏng và một bộ diêu bằng bạc, trong trẻo nhưng lạnh lùng đứng giữa màn mưa, khí chất như lan.
Mắt phượng Tống Hành có chút tập trung, đứng trong đình yên lẳng lặng đánh giá nàng, dù bao năm qua hắn không gần nữ sắc nhưng nhất thời thấy nữ lang ngọc chất thướt tha, thanh lệ thoát tục thì không khỏi cảm thấy cảnh đẹp ý vui, tuy phá lệ nhìn thêm vài lần nhưng cũng không nảy sinh tâm tư dư thừa nào khác.
Ánh mắt hai người chạm nhau, đập vào mắt là nam tử vĩ ngạn cường tráng, bóng lưng cao ngất như tùng, dù đứng cách một khoảng khá xa nhưng Thi Yến Vi vẫn cảm nhận được thân hình hắn cao lớn hơn bất kỳ lang quân nào nàng từng gặp trước đây, lúc này hắn xuất hiện trước mặt nàng, nhất định thân ảnh hắn có thể hoàn toàn che phủ bóng hình nàng, nếu đứng ngược sáng thì cái bóng hắt xuống có thể so với bóng đen của một ngọn núi.
Vóc người khí độ khác thường như vậy, không cần nghĩ nhiều cũng biết chắc là gia chủ Tống gia, Định Bắc Hầu Tống Hành
Mưa rơi tí tách bên tai, Thi Yến Vi đang thầm nghĩ có nên tiến đến chào hỏi hay không thì chợt thấy một tiểu tư dáng người cân đối cầm chiếc ô dầu gọng trúc bước nhanh về phía đình, đứng nói chuyện với Tống Hành cách màn mưa dày đặc.
Tống Hành thản nhiên thu lại ánh mắt, xoay người nhận chiếc ô tiểu tư đưa tới, sải những bước dài bước ra khỏi đình, đi nhanh về phía Đông Viện.
Bên này, Thi Yến Vi cũng xách váy bước qua cầu đá xuyên qua hành lang khúc khuỷu dẫn về phía tây, lại vòng qua chỗ hòn giả sơn cùng hai đoạn hành lang để đến Thúy Trúc Cư, nơi ở của Tiết phu nhân.
Tiết phu nhân thích cây trúc, nên đã mời một người thợ lành nghề đào một con suối ở tiền viện của Thúy Trúc Cư, đào xong dẫn nước vào để trồng sen, sau đó lại ngại độ ẩm quá cao nên thường ngày chỉ ở lại hậu viện, trừ những lúc gặp khách mới đi ra trước.
Trong suối nước có thể nhìn rõ vài chục con cá tầm đuôi đỏ cùng các loại thủy vật như rùa, tôm, cua, lá xanh sen nước cùng bụi trúc, tùng bách trong vườn, tôn lên vẻ thanh u nhã tịnh đầy thú vị của viện tử.
Lúc này, nước mưa rơi trúng lá sen, mặt nước nổi lên từng điểm gợn sóng, một con rùa mai xanh đang nằm trong khe đá trốn mưa chậm rãi co rụt cổ. Thi Yến Vi thấy thú vị nên đứt khoát đứng bên bờ nước nhìn thêm một lúc.
Khi đang xem đến nhập thần, nàng đột nhiên nghe thấy một giọng nữ trong trẻo từ bên song cửa truyền đến: “Chẳng lẽ Dương nương tử cũng xem trọng mấy con cá tầm ngây ngốc này ư? Trời mưa đứng bên mép nước như vậy còn không sợ nhiễm phải hàn khí, cô mau mau vào đây. Thái phu nhân đang ở trong phòng chờ cô đó.”
Thi Yến Vi hơi ngẩng đầu nhìn nàng, mỉm cười đáp lại, sau đó đi theo Thụy Thánh xuyên qua tiền viện đi về hướng hậu viện.
“Thái phu nhân, Dương nương tử đến rồi ạ.” Thụy Thánh vừa nói vừa đặt chiếc ô dựa vào tường cho Thi Yến Vi, sau đó giơ tay đẩy tấm bình phong điêu hoa làm từ gỗ lê ra nhường nàng đi vào.
Trước bức bình phong vẽ Tuế Hàn Tam Hữu [1] bằng gỗ tử đàn. Tiết phu nhân tóc mai điểm bạc ngồi ngay ngắn bên phải án sơn đỏ bằng gỗ lê, cười bảo Thi Yến Vi đừng khách sáo nữa mà hãy mau mau ngồi xuống cạnh bà.
[1][1] Tuế hàn tam hữu, nghĩa đen là ba người bạn mùa lạnh, là một mô-típ nghệ thuật bao gồm Tùng, Trúc và Mai. Ba giống cây vẫn xanh tươi khi mùa rét tới, là biểu trưng cho khí tiết thanh cao.
Tiết phu nhân búi tóc đơn giản, đội tán hoa Khổng Tước ngậm ngọc lục bảo cùng đôi trâm ngân hoa màu đỏ, trên trán có mấy nếp nhăn nhỏ, gương mặt phúc hậu, hòa ái dễ gần.
Thi Yến Vi cũng đã có mấy lần ở riêng với bà nên bỗng nhiên lúc này cũng không còn ngại ngùng nữa, thoải mái ngồi xuống đối diện.
Bàn nhỏ ở giữa thường đặt một số trái cây theo mùa cùng đĩa nhỏ đựng trái cây sấy khô và hạt dưa, sạch sẽ tươi mới. Tiết phu nhân quan sát nàng một lượt từ trên xuống dưới, ánh mắt trầm xuống, cười tủm tỉm bảo nàng ăn hoa quả.
Thi Yến Vi gật đầu, cầm lấy một quả vải khô, bình tĩnh kể cho bà nghe về chuyện Hoán Trúc dính mưa giờ đang ở phòng bếp lau khô tóc uống canh gừng.
Làm khó nàng phải suy nghĩ cẩn thận tỉ mỉ như vậy thay người khác. Tiết phu nhân càng đánh giá cao bản tính trong sáng và tốt bụng của nàng, bà gật đầu nói: “Cứ làm thế đi, tạm thời nơi này của ta cũng không thiếu người.”
Dứt lời, Thi Yến Vi khẽ mỉm cười, Sơ Vũ nâng khay trà sơn mài vào cửa, trước tiên dâng một chén trà Minh Tiền để Tiết phu nhân nhấp một ngụm.
Tiết phu nhân nhận chén trà trong tay, ngửi mùi thơm thoang thoảng của trà, ánh mắt rơi trên bờ vai gầy yếu đơn bạc của Thi Yến Vi, hỏi: “Uống thuốc đến nay đã được ba tháng, có lẽ cũng bình phục dần rồi nhưng cháu đã nhớ ra mấy chuyện lúc trước chưa?”
Sơ Vũ đã hầu hạ Tiết phu nhân từ khi còn nhỏ và là tỳ nữ Tiết phu nhân quen dùng. Tiết phu nhân cũng không đuổi nàng lui ra ngoài nên nàng đứng phục dịch bên người Tiết phu nhân không nhúc nhích.
Thi Yến Vi nghe vậy khẽ cau mày, ánh mắt đờ đẫn, có vẻ đang vì chuyện này mà ảo não, cúi đầu đáp: “Lão phu nhân phí công đang lo lắng, nhi (cách tự xưng của nữ nhi thời Đường) đã khỏe hẳn rồi, chỉ là những gì đã xảy ra trước đây cháu đều không thể nhớ nổi, cũng không biết nguyên do ở đâu.”
Tiết phu nhân vốn chỉ thuận miệng hỏi, không ngờ lại khiến nàng lo lắng, lập tức đặt chén trà men xanh trong tay xuống cầm tay nàng trấn an: “Không nhớ được cũng không sao. Dù sao quý phủ không thiếu thứ gì, cháu cứ an tâm ở lại đây.”
Thi Yến Vi khẽ gật đầu đồng ý, hai người lại nói chuyện phiếm thêm một lúc. Tiết phu nhân đột nhiên nhớ tới điều gì đó, lại cẩn thận chăm chú nhìn nàng, “Cháu mới mười tám tuổi sao lại ăn mặc giản dị mộc mạc thế này? Lão thân có mấy cây trâm cất lâu không dùng tới, sợ đều đã phủ bụi, tặng lại cho cháu cũng là cách để những vật này phát huy công dụng.”
Dứt lời không đợi Thi Yến Vi cự tuyệt, bà quay sang nhìn Sơ Vũ bên cạnh, phân phó để nàng đi lấy mang tới.
Không lâu sau, Sơ Vũ bước vào mang theo hộp nữ trang bằng gỗ lim khảm trai mà Tiết phu nhân vừa nhắc đến, Đống Tuyết cũng mang theo gương đồng mặt lưng bạc cùng nhau tiến vào.
Sơ Vũ nâng hộp nữ trang tới trước mặt hai người, Tiết phu nhân chợt phân phó Sơ Vũ mở hộp ra, trang sức đẹp đẽ xếp đầy trong hộp bày ra trước mặt, sặc sỡ loá mắt.
Tiết phu nhân chỉ vào những món đồ bên trong hộp nữ trang, nói: “Cháu cứ chọn lấy mấy thứ vừa ý mang về đi.”
Thi Yến Vi chưa từng trải qua tình cảnh này bao giờ, rủ mắt nhìn châu thoa trang sức sáng loáng vàng óng, tầm mắt mở mang hẳn ra, nhưng chỉ thấy như đang nắm phải củ khoai lang nóng bỏng.
Hôm nay cũng không phải lễ tết, mấy ngày gần đây nàng cũng không có công lao gì đăc biệt nên thực sự không hiểu vì sao Tiết phu nhân phải làm vậy.
“Có câu vô công bất thụ lộng, xưa nay nhi thô kệch, chưa từng giúp đỡ được gì cho quý phủ, hoàn toàn dựa vào sự che chở của vong huynh và tấm lòng của Thái phu nhân, Tam lang quân, mê muội nhận hai lượng tiêu vặt mỗi tháng đã là đáng xấu hổ lắm rồi, há lại có thể nhận vật quý trọng như thế.”
Thi Yến Vi nào biết, lúc này nàng càng uyển chuyển từ chối thì sẽ chỉ càng khiến Tiết phu nhân càng thêm coi trọng nàng. Tiết phu nhân vốn thích vẻ ngoài xinh đẹp của nàng, chưa kể nàng xuất thân từ Dương thị Hoằng Nông, lại biết thời thế nên tất nhiên là càng thêm phần yêu mến.
“Các ngươi xem xem, lão thân mới chỉ nói một câu, tiểu nương tử này ngược lại đã nói ra một đống lời lẽ chặn ngang lời lão thân.” Tiết phu nhân trêu đùa hai câu với Sơ Vũ, Đống Tuyết, ánh mắt hiền lành dừng lại trên người Thi Yến Vi, dáng vẻ tươi cười.
“Chẳng qua chỉ là những vật cũ bình thường, cũng không đáng mấy đồng bạc, Dương nương tử cơ sao lại từ chối thế này? Ca cháu hy sinh tính mạng để cứu Nhị lang, chỉ lưu lại độc mỗi mình cháu là em gái, lão thân đối xử với cháu như cháu gái ruột thịt cũng chưa đủ. Thôi đừng tự chối nữa, cháu không sợ lão thân giận sao?”
Sơ Vũ nhận lấy gương từ tay Đống Tuyết mang đến, nương theo lời Tiết phu nhân trêu chọc nói: “Thái phu nhân đã nói vậy, Dương nương tử cũng đừng khách khí nữa mà hãy nhận lấy ý tốt của người đi ạ.”
Thấy không còn đường nào để trốn tránh nên Thi Yến Vi đành cắn răng chọn ra chiếc trâm bạc hình con bướm thoạt nhìn mộc mạc nhất dưới cái nhìn chăm chú của ba người bọn họ.
Không ngờ Tiết phu nhân nhìn thấy trâm bướm bạc kia xong, ánh mắt mang theo ba phần khen ngợi, nghiêm túc nói với ba người các nàng: “Đừng thấy trâm này chỉ làm bằng bạc mà không phải bằng vàng rồi coi thường. Chiếc trâm bạc tinh xảo nhìn có vẻ đơn giản nhưng những lão sư tài giỏi nhất phải tốn không ít thời gian cùng công sức trong phòng ba tháng mới làm ra được một chiếc. Ta thấy nước da cháu trắng nõn, đôi mắt lại sáng nên chiếc trâm này là thứ thích hợp nhất. Cháu nhanh cài lên đi, để lão thân nhìn thử xem.”
Sơ Vũ mỉm cười đáp lại, lấy trâm bạc hình con bướm trong tay Thi Yến Vi cài vào tóc giúp nàng, xuýt xoa hai tiếng liên tiếp rồi nghiêng người nhìn Tiết phu nhân trêu ghẹo: “Nhìn có khác gì tiên tử mùa xuân đâu Thái phu nhân, con còn tưởng chúng ta đang ở trên cung trăng cơ đấy?”
Tiết phu nhân xuất từ Tiết thị Hà Đông, tên là Lệnh Uẩn. Bàn về lai lịch, Tiết thị tuy không bì được với “ngũ tính thất vọng” [2] nhưng gia tộc này tôn sùng võ công, liên tiếp xuất ra tướng tài, kể từ phản loạn tam trấn thì có phần lọt vào mắt xanh triều đình, trong tộc có nhiều người làm võ quan, nếu không phải như vậy, Tống Công vốn xuất thân binh nghiệp cũng không hẳn đã đến cầu hôn bà.
[2][2] 7 gia tộc hùng mạnh nhất thời Đường. Từ thời Ngụy Tấn, 5 họ “Trịnh, Thôi, Lý, Lư, Vương” luôn là danh gia vọng tộc. “Ngũ tính thất vọng” bao gồm: Lũng Tây Lý thị, Bác Lăng Thôi thị, Thanh Hà Thôi thị, Phạm Dương Lư thị, Triệu Quận Lý thị, Huỳnh Dương Trịnh thị và Thái Nguyên Vương thị.
Thời trẻ Tiết Lệnh Uẩn là mỹ nhân có tiếng phương bắc, mười năm qua cũng từng gặp được không ít mỹ nhân, nhưng nữ tử khiến bà có cảm giác “thu thuỷ vi thần, quỳnh hoa vi cốt” [3] như Thi Yến Vi lại không nhiều.
[3][3] tâm hồn như nước mùa thu, cốt cách như hoa quỳnh. Có vẻ tác giả viết lại từ câu “Thu thuỷ vi thần ngọc vi cốt” trong bài “Từ khanh nhị tử ca” của Đỗ Phủ.
Dù nàng không có vẻ đẹp chói lòa làm chao đảo phương Bắc nhưng khi Tiết phu nhân nhìn nàng vẫn thấy hợp mắt vô vùng.
“Tuy là mấy lời nói bừa nhưng khó có lúc lại hợp với hoàn cảnh như hôm nay. Ngươi lấy thêm hai cây trâm hoa thụ cài thêm cho nàng đi.” Tiết phu nhân vừa nói vừa nháy mắt ra hiệu cho Đống Tuyết nâng gương đồng để Thi Yến Vi nhìn xem, Sơ Vũ đi lấy một trâm hoa thụ mạ vàng cài lên tóc cho nàng.
Thi Yến Vi nhìn chính mình trong gương, cảm thấy so với bình thường cũng không có gì đặc biệt, chỉ là trâm bướm bạc cài trên tóc nhìn có vẻ đẹp mắt, để riêng lẻ thì cực kỳ bình thường nhưng cài vào mái tóc đen lại sống động như thật.
“Hai ngày nữa là sinh thần Nhị nương. Năm ngoái nàng mới làm lễ cài trâm nên lão thân muốn bày gia yến chúc mừng nàng. Cháu chọn thêm vài món mình thích mang về, đợi đến sinh thần Nhị nương thì hẵng diện lên rồi tới góp vui nhé.”
Ra là vì tiệc sinh thần của Tống Thanh Hòa. Dựa vào sự sủng ái mà Tiết phu nhân dành cho nàng, để giữ thể diện cho cháu gái thì thưởng cho vị thượng khách chút trang sức là nàng cũng không có gì khác lạ. Thi Yến Vi không còn nghi ngờ gì nữa, đứng dậy chắp tay trước ngực hành lễ, bày tỏ lòng biết ơn tới Tiết phu nhân.
“Ý tốt của Thái phu nhân nhi xin nhận. Chỉ là nhi không thường xuyên ra phủ, cũng không đeo trang sức nhiều, nếu Thái phu nhân muốn nhiều hơn thì chẳng khác gì muốn những thứ này tiếp tục bị phủ bụi ở một nơi khác? Giống như lông gà đánh chuông đồng, lãng phí một phen công sức. Nhi nhìn thử thì chỉ thích mỗi trâm bướm bạc này, cũng không cần thêm gì khác.”
Tuy là lời nói khước từ nhưng Tiết phu nhân vẫn bị giọng điệu dí dỏm của Thi Yến Vi dỗ đến cười ha ha, sau đó cũng không ép buộc nàng nữa, chỉ dặn nàng cầm thêm hai cây trâm hoa thụ về.
Thi Yến Vi thẳng thắn đáp ứng, định ngồi lại thì đột nhiên nghe thấy tỳ nữ ngoài cửa truyền lời nói Tổ nương tử đến nên đổi ý, cáo từ với Tiết phu nhân. Đi đến trước cửa hai người mặt đối mặt, thi lễ chào hỏi rồi lướt qua nhau.
Vị Tổ nương tử này là thê tử của Tống Tam lang Tống Duật, Tổ Giang Lan, xuất thân từ Tổ thị Phạm Dương, ở nhà đứng hàng thứ mười một.
Thời Ngụy Tấn Nam Bắc triều, [4] Tổ thị vốn dĩ cũng được xếp vào hàng danh môn vọng tộc, tổ tiên Tổ Địch từng là danh tướng Lưỡng Tấn, đến tiền triều bị suy giảm đi đôi chút, căn cơ thế lực so ra không bằng lúc trước, các thành viên trong tộc phần nhiều làm quan ở phương bắc, hiếm có người làm quan to triều đình.
[4][4] Ngụy-Tấn-Nam-Bắc triều (魏晋南北朝), gọi đầy đủ là Tam Quốc-Lưỡng Tấn-Nam-Bắc triều (三國兩晋南北朝), là một thời kỳ về cơ bản là phân liệt trong lịch sử Trung Quốc. Thời kỳ này bắt đầu từ năm 220, khi Tào Phi cưỡng bách Hán Hiến Đế phải thiện nhượng cho mình, kiến lập Tào Ngụy; kéo dài đến năm 589 khi Tùy diệt Trần, tái thống nhất Trung Quốc. Nguồn chú thích: Wikipedia
“A bà vạn phúc.” Tổ Giang Lan mặc một chiếc sam tử đỏ tươi in hoa, váy dài ngang ngực màu hồng lục, búi tóc cài bảy cái hoa điền trâm quan rực rỡ, thản nhiên đi tới ngồi vào vị trí đối diện với Tiết phu nhân, hai tay khép lại đặt trên đầu gối, đoan trang thục lệ.
“Mấy ngày gần đây lang quân bận rộn sự vụ, canh hai đêm qua mới về thì hôm sau giờ mão đã dậy cùng Nhị lang đi Tấn Dương thị sát quân vụ, không đích thân đến nói rõ được, nên nhi mới đặc biệt đến đây kể ra cho a bà được biết.”
Tiết phu nhân nhớ đến mấy ngày nữa là sinh nhần Nhị nương, rủ mắt suy nghĩ một lúc, chậm rãi lần theo chuỗi phật châu trong tay: “Từ Thái Nguyên đến Tân Dương chẳng qua chỉ mất mười dặm, giờ mão ngày mai lên đường thì đêm đến là về tới nhà.”
Tổ Giang Lan trầm ngâm một lát, gật đầu phụ họa: “Tam lang có nói với nhi, nếu không có gì cấp bách thì chưa tới hai ngày là có thể về rồi, theo nhi thấy thì chàng có thể về trước trưa ngày sinh thần Nhị nương.”
Đúng như Tổ Giang Lan dự đoán, lúc Tống Hành và Tống Duật cùng nhau trở về từ Tấn Dương là buổi sáng vào ngày sinh thần Tống Thanh Hòa.
Tống Duật đi phòng tắm rửa trước, “an ủi” Thập Nhất nương một phen xong thì gọi người đưa nước nóng vào, giúp nàng lau rửa sạch sẽ rồi ôm nàng ngủ suốt buổi trưa.
Tống Hành không thê không thiếp, viện tử chỉ có hai tỳ nữ an phận thủ thường và bà mụ cùng hầu hạ. Lúc này hắn đang ở thư phòng xử lý quân vụ nên Thôi mụ cũng không dám vào trong, chỉ gọi Thương Lục và Quất Bạch luân phiên nhau đứng dưới hành lang đợi hắn sai bảo.
Khoảng hai canh giờ sau, Tống Hành mệnh Quất Bạch chuẩn bị nước, tắm rửa xong hắn mặc trường bào phiên lĩnh màu đỏ tía hoa văn bồ đào, đeo đai kim ngọc tùng thạch ngang thắt lưng, chân đi giày ô da lục hợp bước vào. Thôi mụ thấy hắn thì đích thân đi lấy bạch ngọc tử kim quan cho hắn búi tóc.
Ăn mặc chỉnh trang xong, ngoài cửa sổ, ánh mặt trời đã ngả dần về hướng tây, nắng chiều nóng gắt như hầm lửa, gió thổi qua tán cây xuyên qua cánh cửa để hở mang theo hương hoa nhàn nhạt.
Tống Hành đứng lên khỏi ghế lê mộc, thoáng cái đã cao hơn Thôi mụ cả một khoảng lớn. Trên người hắn mang theo sát khí tiêu điều sau nhiều năm chinh chiến trên sa trường nên vô hình chung khiến cho người đến gần đều sinh ra cảm giác bị áp bách.
Quất Bạch và Thương Lục đã đến viện hắn được mấy năm, mỗi khi hầu hạ hắn trong lòng vẫn không khỏi nơm nớp lo sợ, luôn phải nhắc mình giữ vững tỉnh táo, hành xử không cẩn thận sẽ chọc vào khiến hắn không vui.
Đến tận bây giờ, mỗi khi nhớ tới cái ngày vào ba năm trước, khi gia chủ tức giận cho người đánh chết tươi tiểu tư bên người Nhị lão gia, Thương Lục vẫn cảm thấy tim đập thình thịch.
Thôi mụ ném cho hai người ánh mắt, Quất Bạch dẫn đầu hiểu ý, đưa phần hạ lễ chuẩn bị cho sinh thần Nhi nương nâng lên trước mặt gia chủ.
“Đồ đã chuẩn bị đầy đủ chưa?” Tống Hành thản nhiên hỏi.
Thương Lục cúi thấp đầu, cung kính đáp rồi.
Tống Hành khẽ “ừ” một tiếng, bước ra khỏi ngưỡng cửa.
Hắn xuyên qua đường hoa, đến một hành lang quanh co, chỉ cần bước qua cửa ngăn cuối hành lang, đi thêm một trăm bước sẽ đến Thúy Trúc Cư của Tiết phu nhân.
Tống Hành vừa bước hai bước ra khỏi cửa ngăn thì chợt thấy nữ lang thân hình cao gầy thướt tha đi đến, đúng là nữ lang hắn từng gặp trong màn mưa ngày nọ.
Khác với gương mặt thuần khiết tự nhiên khi đó, hôm nay nhìn nàng rạng rỡ hơn hẳn, nếu không phải trong tay nàng vẫn còn cầm hộp đựng thức ăn màu đỏ, hẳn hắn đã nghĩ nàng là nữ tử xuất thân từ vọng tộc sĩ tộc nào đó.
Tống Hành trong lòng khó hiểu, cũng không tự chủ được mà đi chậm lại…