Emma

Chương 26




Frank Churchill trở về. Gia đình ở Hartfield không rõ anh có về muộn khiến bố anh phải chờ anh về ăn tối hay không. Vì lẽ chị Weston mong ông Weston có cảm tình với anh nên không muốn anh để lộ khuyết điểm nào nếu có thể giấu giếm được .

Anh trở về, đã cắt tóc xong và cười với chính mình vì dáng vẻ mới, nhưng dường như anh không tỏ ra hổ thẹn về việc mình đã làm. Anh không có lýdo gì mà để tóc dài thêm, để che giấu vẻ bối rối trên khuôn mặt, để tiết kiệm tiền, hoặc để nâng tinh thần. Anh là người ngoan cường và sinh động vẫn như lúc nào.

Sau khi gặp anh, Emma tự làm công tác tư tưởng cho mình "Mình không rõ phải như thế nào, nhưng một con người có óc xét đoán tỏ ra cẩn trọng, nếu ngưng làm chuyện ngờ nghệch thì lại là ngờ nghệch. Vô tâm thì vẫn luôn là vô tâm, nhưng ngông cuồng thì không phải lúc nào cũng ngông cuồng – tuỳ cá tính của từng người. Anh Knightley ạ, anh ấy không phải là người tầm thường ngờ nghệch đâu . Nếu là như thế , anh ấy hẳn đã hành xử theo cách khác. Anh ấy sẽ hoặc hãnh diện hoặc xấu hổ về thành quả của mình. Hoặc sẽ là một công tử bột thích phô trương, hoặc một tinh thần quá yếu đuối nên muốn trốn tránh chứ không biện hộ cho tính phù phiếm của mình. Mình tin chắc anh ấy không phải là người tầm thường hoặc ngờ nghệch".

Ngày thứ Ba, cô thấy vui khi nghĩ sắp được gặp lại anh và gặp nhau trong khoảng thời gian dài hơn từ trước đến giờ, có cơ hội phán xét cách cư xử của anh, qua đó suy ra cách anh cư xử với cô, rồi cô sẽ đoán xem bao lâu nữa mình sẽ thôi hờ hững với anh. Cô mường tượng đến sự dò xét của những người khác khi lần đầu tiên họ thấy hai người bên nhau.

Cô nghĩ mình sẽ rất vui dù cho khung cảnh diễn ra ở nhà ông Cole, dù cho cô không quên rằng một trong những khuyết điểm của anh Elton đã khiến cho cô bứt rứt – ngay trong những ngày anh còn được ngưỡng mộ là thích đi ăn tối với ông Cole.

Ông bố đã được sắp xếp cho thoải mái, bà Bates và bà Goddard có thể đến chơi. Nhiệm vụ cuối cùng của cô trước khi rời khỏi nhà là đến chào ba người khi họ đang trò chuyện sau bữa ăn tối. Khi ông bố triù mến nhìn bộ áo đẹp của con gái, cô đền công cho hai bà bằng cách hào phóng tiếp cho họ bánh ngọt và rượu chát, vì cô biết ông luôn để ý đến việc giữ gìn sức khoẻ của hai bà nên họ không dám tự do thưởng thức trong bữa ăn tối. Cô đã tiếp cho mọi món ngon lành, bây giờ cô biết rằng họ đã được phép dùng thoải mái.

Cô đi theo sau một cỗ xe khác đến cổng nhà ông Cole. Và nhận ra anh Kinghtley đi trên cỗ xe ấy . Cô vui mừng vì lẽ anh Knightley không nuôi ngựa, anh không giầu nhưng nhờ có sức khoẻ, năng động, tự chủ, nên từ khi đến tu viện Donwell, anh ít khi ngồi xe ngựa. Bây giờ cô có cơ hội để bầy tỏ sự tán đồng khi anh đã đến để đỡ cô bước xuống xe. Cô nói:

Anh đi theo cách phù hợp, như là một nhà quý phái, em rất vui được gặp anh.

Anh cảm ơn cô, nhận xét:

May là chúng ta đến cùng lúc! Vì lẽ, nếu ta gặp nhau trong phòng khách, anh không chắc em sẽ nhận ra anh có vẻ quý phái hơn bình thường. Qua bề ngoài của anh, em hẳn không nhận ra anh đến đây bằng phương tiện gì.

Có chứ, em nhận ra được . Khi người ta đi theo cách thức mà họ thấy thấp kém hơn so với vị thế của mình, họ luôn có vẻ tỉnh táo hoặc lăng xăng, nhưng em dám nói đối với anh, đấy là vẻ hiên ngang, giống như là vẻ vô tư giả tạo. Em luôn nhận thấy thế khi gặp anh trong những tình huống tương tự. Bây giờ anh không phải cố gắng ra vẻ gì cả. Anh không nên sợ mình bị xấu hổ. Anh không nên tỏ ra cao to hơn người khác. Bây giờ em thật tình vui mừng được đi với anh vào cùng một môi trường.

Cô bé đáo để!

Nhưng anh không tỏ vẻ tức giận tí nào.

Cũng như anh Knightley, Emma có đủ lýdo để bận lòng với những người khách khác. Cô được tiếp đón với thái độ thân thiện, được đối xử như là nhân vật quan trọng theo cách cô muốn. Khi nhà Weston đến, hai vợ chồng nhìn cô theo cách trìu mến nhất, ngưỡng mộ nhất, còn anh con trai tiến đến chào hỏi cô với thái độ sốt sắng tươi vui như thể cô là đối tượng đặc biệt của anh. Đến bữa ăn, anh ngồi kế cô, và cô nghĩ hẳn là do anh đã khéo léo thu xếp.

Buổi tụ họp khá đông đúc, vì còn một gia đình khác, một gia đình nông thôn đúng mực mà nhà Cole có vinh hạnh được quen biết, và còn một đàn ông trong gia đình ông Cox, một luật sư ở Highbury. Những phụ nữ đáng kể ra gồm có chị Bates, cô Fairfax và cô Smith, nhưng khi vào tiệc vì có quá nhiều phụ nữ nên những đề tài trao đổi chỉ là chung chung. Trong khi đám đông bàn tán về chính trị và về anh Elton, Emma có thể chú ý đến láng giềng của cô. Khi tên của Jane Fairfax được nhắc đến, cô cũng để ý lắng nghe. Bà Cole nói đến một chuyện mà cô thấy đáng quan tâm vì đáp ứng những gì cô tưởng tượng. Bà Cole nói đã đến thăm cô Bates, và khi vừa mới bước vào phòng đã có ấn tượng với một chiếc đàn dương cầm trông rất thanh nhã – không phải là loại dương cầm cánh, chỉ là loại dương cầm thông thường, nhưng hình vuông và có kích thước lớn. Chị Bates giải thích là ngày hôm trước chiếc đàn đã được đưa đến từ Bradwood khiến cho hai dì cháu rất kinh ngạc. Theo chị bates kể lại, thoạt đầu Jane khá hoang mang, khá bối rối nên không thể nghĩ ra ai đã gửi chiếc đàn nhưng bây giờ họ tin rằng đấy là đại tá Campbell.

bà Cole nói:

Người ta không thể cho là ai khác, và tôi ngac nhiên là họ lại hoang mang. Có lẽ Jane đã nhận được một lá thư nhưng không nói ra lời nào. Cô ấy biết tính cách của họ, nhưng tôi nghĩ họ giữ im lặng không có nghĩa là họ không dính dáng vào. Họ chỉ muốn tạo một sự ngạc nhiên cho cô ấy.

Nhiều người đồng ý với bà Cole. Tuy Emma nghĩ cách khác, cô vẫn lắng nghe bà Cole.

Khi nghe chuyện này, tôi rất hài lòng. Tôi luôn tiếc cho Jane Fairfax vì cô ấy chơi nhạc hay nhưng không có đàn. Thật là xấu hổ, nhất là khi xét đến nhiều nhà có đàn tốt nhưng lại bị bỏ phế. Việc này như là cái tát vào mặt chúng tôi! chỉ mới hôm qua, tôi nói với ông Cole rằng tôi thật sự xấu hổ khi nhìn chiếc dương cầm cánh trong phòng gia đình, trong khi tôi không biết phân biệt một nốt nhạc nào cả, còn mấy đứa con gái của chúng tôi chỉ mới bắt đầu học đàn nhưng có lẽ sẽ không bao giờ đàn giỏi. Trong khi cô Jane Fairfax tội nghiệp chơi nhạc hay tuyệt vời mà lại không có nhạc cụ gì cả để làm vui. Hôm qua, tôi chỉ mới nói điều này với ông Cole và ông đồng ý với tôi. Ông ấy rất thích âm nhạc đến nỗi ông muốn mua đàn, hy vọng rằng vài người láng giềng có thể chơi hay hơn chúng tôi, và đấy là lý do chúng tôi đã mua một chiếc dương cầm, nếu không chúng tôi hẳn lấy làm xấu hổ. Chúng tôi rất mong mỏi cô Woodhouse có thể thuận lời trình diễn cho chúng ta tối hôm nay.

Cô Woodhouse tỏ ý đồng thuận, và vì thấy câu chuyện của bà Cole không còn gì hứng thú, cô quay sang Frank Churchill. Cô hỏi:

Tại sao anh cười?

Không có, vì lý do nào cô cười?

Tôi? Tôi cười vì vui mà thấy gia đình Đại tá Campbell vừa giầu mà còn phóng khoáng. Đấy là một món quà rất hay.

Đúng lắm.

Tôi lấy làm lạ là sao mãi đến bây giờ họ mới tặng.

Có lẽ vì cô Fairfax chưa từng về nhà ở lâu như thế này.

Hoặc vì ông không cho cô ấy chơi đàn của họ - hẳn bây giờ ở London không được ai sử dụng.

Đấy là loại đàn dương cầm cánh, nên hẳn ông ấy nghĩ nó quá lớn đối với nhà bà Bates.

Anh có thể nói thế nào tuỳ thích, nhưng nét mặt anh chứng tỏ anh nghĩ về chuyện này giống như tôi.

Tôi không rõ. Tôi thà tin cô cho điểm tôi về sự sắc bén cao hơn tôi đáng có. Tôi cười vì thấy cô cười và cố đoán bất cứ điều gì cô đoán, nhưng hiện giờ tôi không thấy có vấn đề gì. Nếu Đại tá Campbell không tặng chiếc đàn ấy, thì ai tặng?

Anh nghĩ về cô Dixon như thế nào?

Cô Dixon! Đúng thế, tôi đã không nghĩ đến cô Dixon. Cô ấy phải biết như ông bố là món quà sẽ được vui lòng đón nhận. Cách thức tặng quà, sự bí ẩn, sự ngạc nhiên có vẻ như là do một phụ nữ trẻ hơn là do một ông già. Tôi dám chắc đấy là cô Dixon. Tôi đã nói rằng khi cô suy đoán thì tôi cũng suy đoán theo.

Nếu vậy thì anh phải suy đoán thêm cả anh Dixon.

Anh Dixon. Được lắm. Vâng, tôi nhận ra ngay đấy là món quà quý do cả hai vợ chồng Dixon cùng tặng. Tôi không có ý nói về những ý định tốt của anh Dixon hoặc của cô Fairfax, nhưng tôi không khỏi hồ nghi là, sau khi đã cầu hôn với người bạn của cô, anh lại yêu chính cô, hoặc cũng có thể là anh biết cô thầm yêu anh. Người ta có thể ức đoán hai mươi chuyện mà không đúng chuyện nào cả, nhưng tôi tin chắc phải có duyên cớ đặc biệt khiến cho cô ấy trở về Highbury thay vì đi Ireland cùng với ông bà Campbell. Ở đây, cô ấy có được môi trường thích hợp để sống riêng tư và hối lỗi, ở đàng kia chỉ có vui thú. Còn lý do họ viện dẫn là hưởng không khí nơi quê nhà, tôi nghĩ đấy chỉ là chống chế. Trong mùa hè thì đúng, nhưng hưởng không khí ở quê nhà của ai mà tốt trong tháng Giêng, tháng Hai và tháng Ba? Lò sưởi và cỗ xe ấm cúng sẽ giúp ích nhiều hơn cho thể chất yếu đuối của cô ấy chứ. Tôi không đòi hỏi cô chấp nhận tất cả ức đoán của tôi dù cô đã là chuyên nghiệp trong việc này, nhưng tôi chỉ trung thực nói ra với cô ức đoán của mình.

Tôi phải nhìn nhận là anh có lý. Tôi tin rằng giữa hai cô, anh Dixon thích ngón đàn của cô Fairfax hơn.

Và còn có chuyện anh ấy cứu sống Fairfax. Anh có nghe qua chuyện này chưa? Có một chuyến đi biển, và cô ấy bị ngã xuống nước. Anh ấy đã cứu cô.

Đúng. Tôi đã ở đấy, cùng tham gia đi chơi.

Thật thế à? Ôi chao! Nhưng dĩ nhiên là anh không thấy gì lạ, vì dường như anh chỉ mới nghĩ ra vụ việc gần đây. Nếu tôi được chứng kiến, tôi hẳn đã phác giác được.

Tôi tin thế. Nhưng về phần tôi – con người tôi giản đơn – chỉ nhìn thấy là cô Fairfax từ trên thuyền rơi xuống nước và anh Dixon nắm được cô ấy. Đấy là hành động tức thời. Và dù người trong cuộc bị sốc mạnh, hoảng sợ hồi lâu – tôi tin phải đến nửa giờ mọi người mới bình tĩnh lại – nhưng tôi không nhận ra điều gì đặc biệt.

Hai người bị ngắt ngang ở đây để gia nhân dọn dẹp món cũ và đưa lên món mới. Sau đó Emma nói:

Đối với tôi, chuyện chiếc đàn có tính quyết định. Tôi đã muốn tìm hiểu thêm chút ít, và chuyện chiếc đàn giải thích được nhiều điều. Chắc chắn là chẳng bao lâu chúng ta sẽ nghe đấy là món quà của vợ chồng Dixon.

Còn nếu vợ chồng Dixon phủ nhận thì ta phải kết luận là của vợ chồng Campbell.

Không, tôi tin chắc không phải là vợ chồng Campbell. Cô Fairfax biết không phải là vợ chồng Campbell, nếu không từ lúc đầu họ đã đoán ra và cô ấy đã không hoang mang. Có lẽ tôi chưa thuyết phục được cô, nhưng bản thân tôi tin rằng anh Dixon có vai trò chính yếu trong chuyện này.

Thật ra, anh làm tôi tổn thương nếu cho rằng tôi không tin anh. Lý luận của anh khớp với phán xét của tôi, ban đầu, khi tôi đoán anh tin Đại tá Campbell là người tặng quà, tôi chỉ thấy đó như là lòng tử tế của người cha nuôi, là lẽ tự nhiên. Nhưng khi anh nói đến cô Dixon, tôi nghĩ rất có thể đấy là từ tình bạn giữa hai phụ nữ, và bây giờ tôi có thể thấy vụ việc chỉ có một chiều hướng là sự tỏ tình.

Họ không còn gì phải bàn thêm, dường như sự việc đã tỏ tường.

Một nhóm phụ nữ chưa ngồi lâu trong phòng gia đình thì một nhóm phụ nữ khác đi vào. Emma nhìn cô bạn nhỏ của mình trong số đó. Nếu Emma chưa đủ hoan hỉ vì chân giá trị và vẻ yêu kiều của cô bé, cô vẫn mến tính thuỳ mị và thái độ không cầu kỳ. Cô thích nhất là tư cách nhẹ nhàng, vui vẻ, không uỷ mị khiến cho cô bé vẫn thơ thới dù đang đau nhói vì tình yêu lở dở. Cô bé ngồi đấy, và ai có thể đoán được bao nhiêu nước mắt đã nhỏ ra trong thời gian gần đây ? Hoà đồng với đám đông, ăn mặc lịch sự và ngắm những người khác ăn mặc lịch sự, ngồi và cười hân hoan, không nói gì hết – tất nhiên là đủ cho cô bé vui trong lúc này. Đúng là Jane Fairfax không vượt trội, nhưng Emma đoán Jane hẳn ước ao được thoải mái như Harriet, hẳn sẽ rất vui mà mua lấy tính đau thương – vâng, thậm chí yêu anh Dixon một cách tuyệt vọng – bằng cách gạt bỏ niềm vui nguy hiểm khi biết chồng của bạn mình yêu mình.

Vì có nhiều người, Emma thấy không cần thiết đến gần Jane. Cô không muốn nói về món quà dương cầm, nhưng những người khác lại nói đến, và cô trông thấy vẻ e thẹn vì ý thức khi nghe lời chúc mừng, vẻ e thẹn vì mặc cảm tội lỗi đi kèm với cái tên "người bảo trợ thân thiết của tôi, Đại tá Campbell".

Vốn là người tốt bụng và thích âm nhạc, chị Weston tỏ ra quan tâm đặc biệt đến vụ việc, nên hỏi han và bàn bạc về những chi tiết của chiếc đàn mà không biết rằng cô chỉ muốn nói càng ít càng tốt như nét mặt của cô cho thấy.

Chẳng bao lâu, có vài quý ông gia nhập, người đến đầu tiên là Frank Churchill. Anh đi vào, người đầu tiên và người đẹp trai nhất. Sau khi chào hỏi hai dì cháu Bates, anh đi về phía đối diện nơi cô Woodhouse đang ngồi, và chỉ chịu ngồi xuống sau khi xoay sở được chỗ trống bên cô. Emma đoán được những người hiện diện đang nghĩ gì. Cô giới thiệu anh với bạn mình, cô Smith. Sau đấy, cô nghe mỗi người nói về người kia như thế nào. Cô nghĩ "Anh ấy chưa từng gặp gương mặt nào xinh xắn đến thế, và vui với vẻ vô tư của cô bé. Còn cô bé nghĩ anh ấy có vài nét hao hao như anh Elton". Emma kiềm chế nỗi phẫn nộ, chỉ quay lưng lại cô bé trong im lặng.

Emma và anh Frank Churchill trảo đổi vài nụ cười tinh quái khi họ liếc nhìn về phía cô Fairfax, nhưng tỏ vẻ cẩn trọng mà không nói lời nào. Anh cho cô biết anh đã nôn nóng muốn rời phòng ăn – không thích ngồi lâu, luôn là người đầu tiên đứng lên nếu có thể được – đến nỗi bố anh, anh Knightley, ông Cox và ông Cole bị bỏ lại để bàn về những sự vụ trong giáo xứ. Tuy nhiên, trong khi còn ngồi với họ, anh vui vì thấy họ giống như những nhà quý phái, có óc xét đoán, anh trìu mến nói về Highburry, tuy nói nhiều hơn về những gia đình dễ mến. Nghe anh nói, Emma nhận ra rằng cô đã xem thường quá đáng vùng này. Cô hỏi han anh về xã hội ở Yorkshire, về vùng Enscombe. Theo những câu trả lời của anh, cô nhận ra rằng không có nhiều cuộc giao tiếp ở Enscombe, rằng chỉ có những gia đình lớn qua lại với nhau, láng giềng thân cận thì không, rằng ngay cả khi ấn định ngày và đã nhận lời mời, bà Churchill thường không được khoẻ và không hứng thú tham dự, rằng người ta có chủ ý không thăm viếng người mới quen biết, rằng tuy anh có nhiều cuộc hẹn, thường anh có thể từ chối một cách dễ dàng , nhiều lúc không cần phải giải thích nhiều.

Cô thấy anh không hài lòng với Enscombe, còn Highbury có thể tạo nguồn vui cho một thanh niên như anh vốn có quá nhiều thời giờ cô đơn ở nhà. Hiển nhiên anh là nhân vật quan trọng ở Enscombe. Anh không khoe khoang, nhưng điều tự nhiên là anh có thể thuyết phục bà bác anh khi ông bác không thể làm gì được. Khi bà vui cười, anh tin rằng có thể dần dà thuyết phục được bà chấp nhận bất kỳ điều gì (ngoại trừ một, hai điều). Anh đã tỏ ước muốn được đi ra ngoài – nôn nóng được ghép để đi ngao du – nhưng bà không chấp nhận. Đấy là chuyện xảy ra năm rồi. Anh nói bây giờ anh không còn muốn đi nữa.

Emma đoán có một điều anh không thể tự biện hộ, là cách đối xử với bố anh.

Anh nói, sau khi đắn đo:

Tôi buồn mà thấy rằng đến mai là tôi đã ở đây đúng một tuần – phân nửa thời gian. Tôi chưa từng thấy thời gian trôi qua nhanh như thế. Ngày mai là được một tuần! trong khi tôi vừa mới bắt đầu vui thích. Vừa mới quen thân với bà Weston, và những người khác! Tôi ghét hồi tưởng.

Có lẽ bây giờ anh bắt đầu thấy tiếc là trong những ngày ít ỏi này mà anh lại bỏ ra nguyên một ngày để đi cắt tóc.

Anh mỉm cười:

Không, đấy là chuyện tôi không thấy tiếc chút nào.tôi không thấy vui khi gặp gỡ bạn bè, trừ khi tôi tin mình hợp với họ.

Bây giờ các quý ông khác đã đi vào gian phòng. Emma phải quay sang nói chuyện với ông Cole trong ít phút. Khi ông Cole rời đi, cô quay lại và thấy anh Frank Churchill đang chăm chú nhìn cô Fairfax đang ngồi đối diện với anh phía bên kia gian phòng.

Cô hỏi:

Chuyện gì thế?

Anh đáp:

Cảm ơn cô đã khuấy động tôi. Tôi nghĩ mình đã quá khiếm nhã, nhưng đúng là cô Fairfax bới kiểu tóc trông kỳ lạ, đến nỗi tôi không thể quay mặt đi. Tôi chưa từng thấy kiểu tóc gì quái đản như thế. Xem những lọn tóc quăn ấy! đấy hẳn là do ý cô ấy tự nghĩ ra. Tôi không thấy ai làm như cô ấy. Tôi phải đến hỏi cô ấy xem đó có phải là kiểu Ireland không. Được chứ? Vâng, tôi sẽ hỏi, và cô sẽ thấy cô ấy phản ứng ra sao, xem cô ấy có đỏ mặt hay không.

Anh bước đi ngay, rồi Emma thấy anh đứng trước cô Fairfax, trò chuyện với cô này, nhưng vì anh đứng giữa hai người nên cô không thấy gì về phản ứng của cô Fairfax.

Trước khi anh trở lại, chị Weston đã ngồi xuống ghế của anh. Chị nói:

Đây là sự xa xỉ của một buổi tụ họp lớn, người ta có thể thân cận bất kỳ người nào, nói bất kỳ chuyện gì. Emma thân yêu, chị đang muốn nói chuyện với em. Giống như em, chị đang khám phá nhiều điều mới với đang trù tính kế hoạch, nên chị phải nói ra ngay ý tưởng kẻo nguội mất. Em có biết chị Bates và cô cháu đến đây như thế nào không ?

Như thế nào hở? Họ được mời, đúng không ?

À đúng! Nhưng từ nhà kia họ đến đây như thế nào? Bằng phương tiện gì?

Em nghĩ họ đi bộ. Họ còn có cách nào khác?

Rất đúng. À hồi nãy, chị chợt nghĩ rằng thật tội nghiệp cho Jane Fairfax phải đi bộ về nhà lúc đêm khuya, trời trở lạnh. Rồi khi chị nhìn cô ấy, dù không thấy tường tận chị để ý là cô ấy đang được sưởi ấm, vì thế dễ bị cảm lạnh. Cô bé tội nghiệp ! chị không an tâm, thế là chị nói với ông Weston về chuyện cỗ xe của nhà chị. Em có thể đoán ra là ông ấy rất sẵn lòng chiều theo ý chị. Chị bèn nói với chị Bates rằng cỗ xe có thể đưa họ về nhà trước . Cô ấy tỏ ra rất cảm kích, như em đoán được, nhưng lại nói cảm ơn, cảm ơn lắm, nói rằng cỗ xe của anh Knightley đã đến đón họ và sẽ đưa họ về nhà. Chị ngạc nhiên – rất vui mà cũng khá ngạc nhiên. Đấy là lòng ân cần – ân cần một cách tế nhị - mà điều người đàn ông nào nghĩ đến. Tóm lại, theo những gì chị biết về thói quen của anh ấy , chị đoán anh dùng cỗ xe là để đưa đón hai người. Anh vẫn nghĩ đáng lẽ anh chẳng cần đôi ngựa hay xe cho riêng mình, đấy chỉ là cái cớ để giúp họ.

Emma nói:

Rất có thể - không còn gì đúng hơn. Em không rõ có người đàn ông khác nào làm như anh Knightley – tử tế, sẵn lòng giúp đỡ, có ý tứ, hoặc có lòng nhân ái. Anh ấy không nịnh đầm giỏi, nhưng là người có tính nhân văn. Trong việc này, xét qua sức khoẻ yếu kém của Jane Fairfax, anh muốn làm một nghĩa cử nhân ái, và không thoả lòng tử tế mà không phổ trương như anh Knightley. Em biết anh ấy đi bằng xe ngựa vì anh ấy và em đến cùng lúc, và em cười cợt với anh ấy về việc này nhưng anh ấy không nói lời nào để khoe khoang.

Chị Weston mỉm cười:

Em nghĩ tốt nhiều hơn chị về anh ấy trong nghĩa cử nhân ái đơn giản này, bởi vì trong khi chị Bates đang nói, có một nghi vấn len lỏi trong đầu chị mà chị không tài nào gạt bỏ được. Càng nghĩ, chị càng tin là đúng. Tóm lại, chị nghi là anh Knightley và cô Fairfax sẽ thành đôi. Hãy xem hậu quả khi làm bầu bạn với em! Em nói gì về chuyện này?

Emma thốt lên:

Anh Knightley và Jane Fairfax! Chị Weston thân yêu ,làm thế nào chị có thể nghĩ tới chuyện này? Anh Knightley! Anh Knightley không nên kết hôn! Chị không muốn dứt bé Henrry ra khỏi Donwell phải không ? Ôi chao! Không, không, Henry phải ở lại Donwell. Em không hề muốn anh Knightley kết hôn, em nghĩ chuyện này hoàn toàn không thể xảy ra. Em lấy làm lạ chị nghĩ ra chuyện như thế.

Emma thân yêu, chị đã nói lý do khiến cho chị nghĩ đến chuyện này. Chị không tán đồng cuộc hôn nhân, chị không muốn bé Henry phải khổ, nhưng những tình huống đã gây cho chị ý nghĩ ấy. Còn nếu anh Knightley thật sự muốn kết hôn, em không nên ngăn cản anh vì lý do Henry, một đứa trẻ lên sáu tuổi không biết gì đến chuyện này, phải không?

Em vẫn muốn ngăn cản. Em không chịu được khi thấy Henry bị mất chỗ đứng. Anh Knightley mà kết hôn! Lại còn kết hôn với Jane Fairfax mà không với ai khác trong số phụ nữ trên thế gian này!

Đừng nói thế. Anh luôn để ý đến cô ấy nhiều nhất như em đã biết rõ.

Nhưng cuộc hôn nhân như thế là thiếu cẩn trọng.

Chị không nói có cẩn trọng hay không, chị chỉ nói chuyện này có khả năng xảy ra.

Em không thấy có khả năng nào, trừ khi chị có cơ sở nào khác hơn những gì chị đã nói. Em cho chị biết, lòng tử tế, tính nhân văn của anh ấy là lý do cho việc anh ấy dùng xe ngựa. Chị biết mà, anh ấy rất kính trọng mẹ con bà Bates chứ không phải vì Jane Fairfax, và luôn vui lòng chăm sóc cho hai người. Chị Weston thân yêu của em, chị không nên làm mai. Ôi chao! Không, không, mọi cảm nghĩ đều kinh khiếp. Em mong anh ấy đừng làm chuyện điên rồ như thế.

Em có thể cho đấy là thiếu cẩn trọng, nhưng không phải là điên rồ. Chị thấy họ hợp nhau, ngoại trừ về gia sản vật chất, và có lẽ chênh lệch một chút về tuổi tác.

Nhưng anh Knightley không muốn kết hôn. Em tin chắc anh ấy không hề nghĩ đến chuyện này. Chị đừng mang ý tưởng ấy vào đầu anh. Tại sao anh ấy phải kết hôn? Anh ấy vẫn hạnh phúc khi sống như thế này, với trang trại, đàn cừu và tủ sách, và cả giáo xứ phải cai quản, anh còn thương yêu hết mực đám con của người anh. Anh ấy không có lý do gì mà kết hôn, dù là để lấp vào khoảng trống của thời giờ hoặc trong tâm hồn.

Em Emma thân yêu, nếu anh ấy nghĩ như thế thì mặc anh ấy, nhưng nếu anh ấy thật sự muốn cưới Jane Fairfax ….

Vô lý! Anh ấy không màng đến Jane Fairfax. Nói về tình yêu, em tin chắc anh ấy không yêu. Anh làm mọi việc tử tế đối với cô ấy, đối với gia đình cô ấy, nhưng….

Chị Weston cười to:

Được, chẳng việc tử tế hay ho nhất là cho cô ấy một mái nhà khả kính.

Nếu là hay cho cô ấy thì là dở cho anh, một mối lương duyên rất đáng hổ thẹn và mất danh giá. Làm thế nào anh ấy chịu được chị Bates là bà dì bên vợ ? Là người lui tới tu viện và suốt ngày lên tiếng cảm ơn anh vì đã cưới Jane? Cứ nói "rất tử tế và sôt sắng", trong khi anh ấy luôn là một láng giềng tử tế. Và rồi khi mới nói nửa câu đã vội quay ngoắt để nói về chiếc váy lót cũ kỹ của bà mẹ. "Đấy không phải là chiếc váy lót cũ, vì nó vẫn còn trắng, và bà hẳn phải vui lòng mà nói rằng những chiếc váy lót của bà vẫn còn rất chắc".

Emma, xấu hổ quá ! đừng nhại theo bà ấy. Em làm cho lương tâm của chị bị xáo trộn. Chị tin chắc anh Knightley sẽ không bị phiền hà vì chị Bates. Anh không màng chuyện vặt vãnh. Chị ấy có thể lắm lời , còn nếu anh ấy muốn nói gì, anh có thể nói to hơn và lấn áp tiếng nói của chị ta. Vấn đề không phải ở chỗ mối lương duyên có tốt cho anh ấy hay không, mà ở chỗ anh ấy có mong muốn hay không, và chị nghĩ anh ấy muốn. Chị cũng như em đều đã nghe anh ấy ngợi khen Jane Fairfax! Mối quan tâm đối với cô ấy – mối lo lắng về sức khoẻ của cô ấy – nỗi quan ngại là cô ấy không có nơi nương tựa tốt ! chị đã nghe anh ấy bầy tỏ nồng nàn về những điểm này! anh đã ngưỡng mộ tài chơi đàn của cô, giọng hát của cô! Chị đã nghe anh ấy nói rằng anh có thể nghe cô hát suốt đời! Ôi chao! Chị còn quên một ý tưởng trong đầu chị: người đã gửi đến chiếc đàn dương cầm, dù chúng ta vẫn nghĩ đấy là món quà của nhà Campbell, đúng ra liệu có phải là của anh Knightley? Chị vẫn nghi là của anh. Chị nghĩ anh đúng là người đã làm việc này, cho dù anh không yêu cô.

Thế thì không thể biện luận là anh ấy đang yêu. Nhưng em nghĩ không có chuyện này. Anh Knightley không hề làm việc gì một cách bí ẩn.

Chị đã nghe anh ấy thường than thở về việc cô ấy không có đàn, than thở mãi đến nỗi chị tin anh nảy ra ý tưởng đó.

Thế thì được, và nếu anh ấy định tặng chiếcđàn, anh hẳn đã nói cho cô ấy biết.

Em Emma thân yêu ạ, đấy có thể do tính đắn đo thanh cao. Chị vẫn tin rằng anh là người tặng đàn. Anh đã giữ im lặng khi bà Cole kể cho ta nghe tại bàn ăn.

Chị Weston, chị chộp lấy ý tưởng rồi ôm khư khư, giống như nhiều lần chị đã trách em. Em không thấy gì là dấu hiệu của tình yêu. Em không tin chuyện chiếc dương cầm, và em phải thấy bằng cớ mới tin anh Knightley có ý nghĩ sẽ cưới Jane Fairfax.

Hai người vẫn tranh luận theo cách của mình. Emma có vẻ thắng thế, vì chị Weston thường có thói quen nhường nhịn. Rồi tiệc trà chấm dứt, đến phần trình diễn âm nhạc. Ông Cole tiến đến van nài cô Woodhouse cho họ có vinh dự nghe cô thử chiếc dương cầm của gia đình ông. Trong khi đang say sưa trao đổi với chị Weston, Emma không thấy gì khác ngoại trừ là Frank Churchill đã tìm được chỗ ngồi kế bên cô Fairfax. Rồi anh phụ hoạ theo ông Cole để thêm lời van nài cô. Với mọi lý do, Emma cảm thấy thích hợp mà nhận lời.

Cô biết rõ tàn năng mình chỉ có hạn nên không cố trình diễn nhiều, cô không muốn có trình độ thưởng thức hoặc chú tâm đến chuyện nhỏ nhặt vốn đã được tán thưởng, và có thể vừa đệm đàn vừa hát khá hay. Một giọng hát phụ hoạ bài hát của cô khiến cho cô ngạc nhiên một cách sung sướng - giọng hát thứ hai không nhuần nhuyễn nhưng đúng âm điệu của Frank Churchill. Khi bài hát chấm dứt, cô muốn ngưng nhưng mọi người van nài, và chuyện thường thấy xảy ra tiếp theo. Anh được khen là có giọng hát hay và có kiến thức về âm nhạc, anh nói không phải thế, rằng anh không biết gì về âm nhạc và không hát hay, nhưng mọi người vẫn cả quyết. Hai người hát với nhau thêm một bài nữa, rồi Emma nhường chỗ cho cô Fairfax. Cô này có ngón đàn và giọng hát hơn hẳn Emma.

Với tâm tư pha trộn vui buồn, Emmay ngồi cách chiếc đàn khá xa, để lắng nghe. Frank Churchill hát lần nữa. Có vẻ như họ đã hát với nhau một, hai lần ở Weymouth. Nhưng dần dà cô chú ý nhìn đến anh Knightley lúc này đang chăm chú lắng nghe, rồi lại nghĩ về lời của chị Weston. Cô vẫn chống đối việc anh Knightley kết hôn. Cô chỉ thấy toàn khuyết điểm trong việc này. Anh John Knightley hẳn sẽ thất vọng, cả Isabella cũng thế. Bọn trẻ sẽ bị tổn thương – một thay đổi đáng xấu hổ, và sự mất mát lớn cho tất cả, ông bố cô sẽ thiếu thoải mái trong cuộc sống thường nhật, còn đối với cô, cô không thể nào chịu được với ý nghĩ Jane Fairfax sống ở tu viện Donwell. Một bà Knightley mà tất cả họ sẽ phải chịu thua! Không, anh Knightley không bao giờ nên kết hôn. Cậu bé Henry phải ở lại Donwell.

Bây giờ, anh Knightley nhìn quanh quẩn rồi đến ngồi bên cô. Lúc đầu họ chỉ trò chuyện về việc trình diễn âm nhạc. Thái độ ngưỡng mộ của anh đúng là nồng nhiệt mà cô thấy không có ấn tượng – nhưng đối với chị Weston thì chắc là có. Để ném hòn đá thăm dò, cô nói về lòng tử tế của anh trong việc đưa đón hai dì cháu . Dù anh trả lời theo cách muốn chấm dứnt câu chuyện, cô cho rằng đấy là vì anh không muốn nói về lòng tử tế của mình.

Cô nói:

Em thường cảm thấy băn khoăn là đã không dám dùng cỗ xe của nhà em được ích lợi hơn trong những trường hợp như thế này. Không phải vì em không muốn, nhưng anh biết không, bố em sẽ không cho phép James đánh xe theo mục đích ấy.

Anh nói:

Đúng là không thể, em không thể làm được, nhưng anh biết em thường muốn làm.

Rồi anh mỉm cười vui vẻ như thể thật lòng tin cô, khiến cho cô muốn thử lòng anh thêm. Cô nói:

Món quà ấy của nhà Campbell – họ rất tử tế mà tặng chiếc dương cầm.

Đúng, nhưng đáng lẽ họ nên cho cô ấy biết trước . Gây ngạc nhiên là hành động điên rồ. Việc này không làm người nhận vui sướng hơn mà chỉ gây bứt rứt. Anh nghĩ đáng lẽ Đại tá Campbell suy xét hay hơn.

Từ lúc này Emma nhất mực tin rằng anh Knightley không can dự vào việc tặng chiếc đàn. Nhưng cô vẫm chưa rõ liệu anh có hoàn toàn vô tư trong chuyện tình cảm lạ kỳ này không – liệu thật sự có tình yêu hay không.

Khi Jane hát đến gần cuối bài hát thứ hai, giọng của cô không còn trong trẻo nữa.

Khi cô hát xong, anh thầm nghĩ "Thế là đủ, tối nay cô đã hát nhiều rồi, bây giờ nên giữ im lặng".

Tuy nhiên người ta vẫn yêu câù cô hát thêm một bài nữa, cho rằng cô Fairfax vẫn có thể hát thêm, và họ vẫn yêu cầu hát thêm một bài.

Frank Churchill lên tiếng:

Tôi nghĩ cô có thể hát thêm mà không cẫn gắng sức, bài hát thứ nhất chỉ là mào đầu. phần trình diễn quan trọng là ở bài thứ hai.

Anh Knightley tỏ vẻ giận dữ, nói một cách khinh miệt:

Anh ta chỉ muốn phô trương giọng của mình. Thế là không được.

Rồi anh níu lấy chị Bates vừa đi ngang qua:

Chị Bates, chị có điên không mà để cho cháu gái của chị hát đến khàn cổ như thế? Chị can họ đi. Họ không thương xót cháu chị gì cả.

Vốn luôn lo lắng cho Jane, chị Bates không kịp ngỏ lời tri ân mà nhanh chóng quay đi và ngăn chặn bài hát kế tiếp. Đến đây là chấm dứt chương trình âm nhạc vì chỉ có cô Woodhouse và cô Fairfax là hai nghệ sĩ trình diễn. Kế tiếp, có lời đề nghị khiêu vũ – không rõ do ai đưa ra. Hai vợ chồng Cole thuận lòng, cho dọn dẹp để có khoảng trống. Vì thích khiêu vũ điệu đồng quê, chị Weston vẫn ngồi yên. Một điệu luân vũ phát ra, bằng thái độ càng thêm nịnh đầm, Frank Churchill đến trước Emma, được cô nhận lời, và đưa cô ra sàn nhảy.

Trong khi chờ đợi thanh niên thiếu nữ chia cặp, Emma nhìn đến anh Knightley. Đây hẳn là một thử thách: anh khiêu vũ không giỏi. Nếu anh chàng sốt sắng mời Jane Fairfax thì đấy là điềm báo gì đấy. Hai người chưa xuất hiện trên sàn nhảy. Không, anh đang nói chuyện với bà Cole, đang tỏ vẻ không quan tâm. Một người khác mời Jane khiêu vũ, còn anh vẫn trò chuyện với bà Cole.

Emma không còn lo lắng cho bé Henrry, cuộc sống của bé được yên ổn, và cô chấm dứt bản nhảy với tinh thần sảng khoái thật sự. Sàn nhảy chỉ có năm cặp nhưng vẫn tạo không khí phấn khởi.

Không may là họ có thể khiêu vũ được hai bản. Đêm đã dần khuya, chị Bates bắt đầu nôn nóng muốn về nhà vì nghĩ tới bà mẹ. Vì thế, sau những lời từ chối, họ ngỏ lời cám ơn chị Weston, ra vẻ bứt rứt, rồi chấp nhận đi nhờ cỗ xe.

Đáng lẽ tôi phải mời cô Fairfax khiêu vũ, nhưng cách nhảy uể oải của cô ấy không hợp với tôi, sau bài nhảy của cô.