Công Chúa Ếch - Mễ Hoa

Chương 45: Ngoại truyện 1




Huy Nguyệt Thiềm Trình Lam Ngọc, tự Trình Phủ Quân, vốn sinh ra tại núi Đan Huyệt, nơi linh khí ngưng tụ.

Sau ngàn năm tu luyện, được Thần Điểu Phượng Hoàng dưới trướng Ngọc Thanh Chân Vương chỉ điểm, hắn đã phi thăng đắc đạo.

Trình Phủ Quân mang dung mạo thần tiên, phong thần tuấn nhã, mi mục tựa như ánh sáng rực rỡ của ráng chiều chiếu rọi.

Thiên Tướng Cung phát hiện Huống Thủy Giao nuốt mệnh số của phàm nhân, phản nghịch đào thoát.

Vì từng có duyên sâu xa với nó, Trình Lam Ngọc cùng với Chư Tước Thất Tinh Trương Tú nhận lệnh hạ phàm truy bắt.

Trong rừng núi nơi trần gian, hắn tình cờ gặp gỡ Công chúa Lý Minh Nghi, lúc ấy nàng mới mười ba tuổi, là Thái Hành Công chúa của Yến Quốc.

Do duyên phận xui khiến, hắn được nàng cứu mạng.

Về sau, Huống Thủy Giao bị Công chúa g.i.ế.c chết.

Lần đầu tiên, Trình Lam Ngọc qua Thiên Mệnh Tinh Bàn nhìn thấy nhân quả về mệnh số của nàng:

Thái Hành Công chúa mang mệnh của mẫu nghi thiên hạ, vốn là thiên định giai ngẫu của Thái tử Hách Nguyên Qua của nước Ngụy. Đáng tiếc, mối duyên trời định này không hề viên mãn.

Tinh Bàn hiện ra rằng, Công chúa vì vương thúc Bình Bảo Hầu mưu phản mà phụ hoàng và huynh trưởng đều mất mạng. Sau đó nàng chịu nỗi oan khuất không thể giãi bày, phải rời khỏi Yến Quốc.

Dẫu sau này trở thành thê tử của Ngụy Vương Hách Nguyên Qua, nhưng Yến Quốc bị nước Ngụy tiêu diệt, Công chúa cả đời u uất, buồn khổ. Nàng chỉ sống đến hơn ba mươi tuổi, sau đó bệnh nặng mà qua đời.

Trình Lam Ngọc nhớ đến tiểu cô nương anh dũng với đôi mày mắt thanh tú ấy. Nàng sinh ra nơi vương tộc cao quý, lại có tính cách chân thành, gan dạ, cuối cùng lại rơi vào kết cục đáng thương như vậy, quả thật khiến hắn tiếc nuối.

Thế nhưng, vận mệnh quốc gia, số mệnh quân vương, dù là thiên mệnh tinh quan, hắn cũng không thể can thiệp.

Hắn có ý báo đáp ân tình của Thái Hành Công chúa, nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu.

Cho đến sau này, Thiên Tướng Cung phát hiện tà khí của Huống Thủy Giao vẫn còn tồn tại.

Trình Lam Ngọc một lần nữa hạ phàm, lấy danh nghĩa của đạo sĩ lánh đời Tấn Dương lão đạo Tiêu Dao Tử, diện kiến quân vương của Yến Quốc, trở thành một nho sinh dạy học cho Thái tử và Công chúa.

Ngày đầu tiên gặp mặt, Thái tử Quân Dực cung kính hành lễ, gọi hắn một tiếng: "Tiên sinh."

Thái Hành Công chúa khi ấy mười ba tuổi, lại nheo mắt quan sát hắn, ánh mắt đầy ngạo nghễ, giơ cao roi ngựa trong tay mà hỏi: "Ngươi kế thừa ai? Còn trẻ như vậy, có thể dạy ta cái gì?"

Điều này cũng không thể trách vì sao Thái Hành Công chúa khinh thường hắn.

Từ nhỏ, Công chúa đã học kiếm thuật, danh tướng Yến Quốc – Diêm lão tướng quân là sư phụ của nàng.

Văn chương, nàng được vô số đại nho danh sĩ giảng giải. Nàng Công chúa xuất thân cao quý, tự nhiên mang theo một phần kiêu ngạo.

Thái tử Quân Dực quở trách: “Muội không được vô lễ với tiên sinh.” Công chúa ngoan ngoãn đặt roi xuống, miệng lẩm bẩm: “Thiên hạ đầy kẻ lừa đảo, phụ vương chẳng lẽ cũng bị lừa hay sao?”

Thái tử Quân Dực, vì mẫu thân mang họ Thôi, còn có tên là Lý Thôi Trực.

Hắn vô cùng yêu thương muội muội, tình cảm huynh muội sâu đậm.

Công chúa cũng rất kính trọng vị huynh trưởng này, từ nhỏ đã lập lời thề sẽ làm mọi việc vì huynh trưởng.

Trình Lam Ngọc, một nam tử trẻ tuổi với dung mạo tuấn mỹ, mang đầy khí chất thư sinh.

Hắn không hề để tâm đến thái độ ngang ngược của Công chúa, trái lại còn cảm thấy nàng tuổi trẻ ngay thẳng, thật đáng yêu.

Thái Hành Công chúa Lý Minh Nghi, nhũ danh Hi Oa, còn được gọi là Tiểu Hi.

Dung mạo nàng thanh thoát, khi không cười trông nghiêm nghị, trong đôi mày mắt ẩn hiện nét sắc sảo vô cùng phóng khoáng.

Nhưng khi nàng cười, rực rỡ tựa bình minh, trong mắt ánh lên sự tự tin kiên cường.

Đó chính là phong thái quý tộc bẩm sinh của một Công chúa vương thất.

Thuở thiếu thời, nàng kiêu ngạo, phóng túng, nhưng điều đó không làm lu mờ bản chất thiện lương, chính trực cùng sự quả quyết trong xương tủy.

Truyện được dịch và đăng tải bởi Diệp Gia Gia

Công chúa thực ra là một thiếu nữ khẩu xà tâm Phật, ngoài cứng trong mềm.

Chẳng mấy chốc, nàng đối với Trình Lam Ngọc trở nên kính cẩn lễ phép, nghe lời răm rắp.

Bởi Công chúa thích luyện võ, vào ngày sinh thần của nàng, Trình Lam Ngọc đã tặng một thanh kiếm báu có tên Lăng Sương.

Công chúa mê đánh cờ, hắn liền thức trắng đêm bầu bạn, cầm đèn xem nàng khi thì vò đầu suy nghĩ, lúc lại đắc ý hớn hở.

Công chúa hiếu động, thích áo choàng nhẹ mềm, hắn liền tìm được tấm da hồ ly tốt nhất từ phiên chợ, tự tay khâu thành chiếc áo choàng lông hồ ly bạc.

Công chúa phàn nàn rằng những danh sĩ đại nho giảng giải khó hiểu, hắn liền mỉm cười giải thích, đem nội dung trong sách giảng lại cho nàng.