Bần Gia Nữ

Chương 15




Đến tối Trương A Phúc mang theo hai đứa con trai lên núi nhặt củi trở về. Có lẽ ở trên đường ông đã nghe thấy cái gì nên cái người ngày thường ít khi nói lời nào, cùng lắm chỉ biết ngây ngô cười với Lưu Tam Nương lúc này càng yên lặng. Ông ấy bỏ gánh củi xuống, sau đó tới đứng bên người Lưu Tam Nương, không hé răng một câu.

Ông ấy đứng một lúc Lưu Tam Nương mới vươn tay, sờ sờ đầu ông, nhẹ giọng nói, “Chàng đi nghỉ tạm đi, ta nấu cơm xong ngay đây.”

Trương A Phúc ngẩng đầu liếc nhìn bà một cái sau đó gật đầu, miệng nói, “Ta sẽ đi nhóm lửa.”

Lưu Tam Nương không nói nữa, Trương Tiểu Oản thấy đã có người giúp nhóm lửa thì thức thời mà không đến quấy nhiễu nữa. Nàng chỉ dẫn theo Trương Tiểu Bảo Trương và Tiểu Đệ đi chọn hạt thóc.

Nàng muốn chọn chút thóc no đủ để ươm mạ.

*********

Quả nhiên vừa gặt thóc được một thời gian thì độ ấm chợt giảm xuống nhiều. Buổi sáng vừa thức dậy đã thấy trên mặt đất kết một tầng băng mỏng, mặt trời vẫn mọc nhưng không hề có chút độ ấm nào.

Loại thời tiết này đúng là muốn mạng người mà.

Trong nhà không có nhiều quần áo, Trương Tiểu Oản cắn răng đem toàn bộ vải lẻ trong nhà lấy ra, nhưng cũng chỉ đủ làm một cái áo không đến nỗi nào. Thật sự nàng cũng không có cách nào, vì sợ Trương Tiểu Bảo và Tiểu Đệ đông lạnh, nàng cắn răng lấy tiền từ chỗ Lưu Tam Nương, mạo hiểm trời lạnh đi lên trấn trên chọn mua chút bông vải bán giá thấp và cắt vài thước vải dày về. Trong hai ngày nàng đã may xong hai bộ quần áo.

Đến sáng ngày thứ ba, Trương Tiểu Bảo và Trương Tiểu Đệ có quần áo mới thì vui đến mức xoay quanh người Trương Tiểu Oản. Nàng may gấp hai đêm, buổi tối cũng chỉ nương ánh lửa mà khâu vá vì thế lúc này mày mặt hoa lên. Hai đứa nhóc không biết còn chạy quanh nàng thiết chút nữa làm nàng ngất ra đấy.

Buổi sáng nàng ngủ bù một giấc, buổi chiều lại đem vải và bông còn thừa lại may một bộ quần áo kín mít cho Lưu Tam Nương. Nút thắt nàng làm loại giấu vào trong, vải thì dùng vải lẻ thô ráp mà ghép lại nhưng Trương Tiểu Oản vẫn cố gắng làm ra hình ra dạng, vô cùng vừa mắt.

Lúc ăn tối nàng đem bộ quần áo ra. Lúc Lưu Tam Nương đón lấy thì ngây người, chờ đến khi mặc lên người thì đến Trương A Phúc vốn trầm mặc mấy ngày nay cũng phải mở to mắt, nhỏ giọng mà mở miệng nói, “Tam Nương, thật là đẹp mắt.”

Lời đột ngột này của ông ta khiến Lưu Tam Nương trừng mắt, trên mặt hơi hơi ửng hồng. Bà như trẻ ra mấy tuổi, không còn dáng vẻ quá tiều tụy nữa.

“Nương thật là đẹp mắt……” Trương Tiểu Bảo cũng nhìn đến choáng váng, hắn mang khuôn mặt có bảy phần giống Trương A Phúc mà nói câu này làm Trương Tiểu Oản nhịn không được nở nụ cười.

“Tay nghề thật tốt……” Lưu Tam Nương vuốt quần áo trên người mình, sau đó định cởi ra vì luyến tiếc.

“Mẫu thân cứ mặc đi cho ấm.” Kỳ thật vải dệt này quá kém nên nàng phải khâu dày một chút để cho quần áo ra dáng ra hình. Nếu vải tốt hơn, màu sắc tốt hơn thì Trương Tiểu Oản còn có thể làm thêm nhiều thứ đa dạng, khiến người mặc càng đẹp hơn.

Nhưng quần áo này ở thôn Ngô Đồng cũng được coi là cực kỳ tốt rồi. Lưu Tam Nương mà mặc ra ngoài sợ là rất nhiều người sẽ phải vây quanh xem……

Nghĩ tới đây Trương Tiểu Oản đột nhiên lóe linh quang. Nàng nói với Lưu Tam Nương, “Mẫu thân mặc quần áo này ra ngoài đi dạo, nếu có người hỏi ngài quần áo này làm thế nào thì ngài cứ nói là do tay nghề học được ở nhà mẹ đẻ. Ngài xem, sắp đến năm mới rồi, trong thôn chúng ta khả năng sẽ có nhà làm quần áo mới. Nếu không cũng có nhà muốn sửa quần áo cũ. Nếu bọn họ có thể để chúng ta làm thì ngài cứ mang vải về. Chúng ta sẽ không lấy công quá cao, một kiện quần hoặc áo lấy một ống gạo, làm nguyên một bộ thì lấy một ống rưỡi, nếu sửa quần áo thì năm cái tính một ống gạo.”

“Cái này có được không?” Lưu Tam Nương do dự hỏi, nhìn dáng vẻ cũng như đang suy nghĩ.

“Được, con đã hỏi qua, nếu vào trấn làm một cái quần hoặc áo phải mất năm đồng, một bộ là 8 đồng. Gạo tính ba đồng một cân, trong thôn chúng ta một ống lương đa phần cũng là một cân. Như vậy tính ra thì một kiện xiêm y chúng ta may chỉ lấy ba đồng, mà tay nghề chúng ta cũng không kém so với trong trấn.” Trương Tiểu Oản tính tính rồi nói.

Lưu Tam Nương không trả lời, chỉ nhìn nhìn tay Trương Tiểu Oản.

Trương Tiểu Oản cười cười, không lặp lại lý do cũ nữa, chỉ nói, “Con làm được, mẫu thân cứ yên tâm. Chỉ cần để con làm thì con sẽ khiến bọn họ không chê vào đâu được.”

Trước khi xuyên qua, mỗi tháng công ty nàng sẽ cho ra một bộ quần áo cao cấp khiến người ta tranh nhau mua vì thế nàng cực kỳ tự tin với tay nghề làm quần áo mười mấy năm của mình sẽ trị được người ở thôn Ngô Đồng.

Đáng tiếc là ở chỗ này làm may vá không thể nuôi sống bản thân được. Chỗ nghèo đói này thì có mấy nhà có tiền làm quần áo mới chứ? Trương Tiểu Oản từng hỏi giá cả quần áo trong trấn, một tháng cho dù có nhiều khách cũng chỉ làm được 5 bộ xiêm y, tương đương 40 đồng tiền hoặc hơn mười cân gạo. Nếu trong nhà không có ruộng, chỉ dựa vào việc may vá thì không thể nuôi sống người nhà. Mà đó là còn có khách hàng, nếu không có khách thì khả năng gạo cũng không có mà ăn, không dễ dàng hơn làm ruộng bao nhiêu. Thế nên ở trấn Cam Thiện, người làm nghề may vá cũng chỉ đủ để trợ cấp thêm cho gia đình chứ không thể dựa vào đó kiếm tiền làm giàu.

Còn những câu truyện xuyên qua mà trong đó nữ chính có thể dựa vào may vá kiếm bạc thì Trương Tiểu Oản càng không muốn nghĩ tới.

Hiện tại nàng ở cái chỗ nghèo khổ này, người nào có trăm lượng bạc đã là đại phú hộ trong trấn. Nàng đã từng gặp phú hộ kia đi chợ, quần áo người ta mặc cũng chỉ tốt hơn vải bông một chút, còn lụa thì cả cái trấn này không thấy có ai mặc.

Làm quần áo mới là công việc quan trọng nhất trong năm của mỗi nhà. Nhưng cho dù nàng có thể thêu hoa giống như thật thì cũng không thấy có người nào có tiền để mua, cùng lắm thì bọn họ chỉ xem náo nhiệt, chỉ trỏ mà thôi.

Còn thêu túi tiền đi bán ư? Ở trấn Cam Thiện này thì chuyện đó chỉ là mơ mộng vớ vẩn.

Lấy trấn Cam Thiện làm trung tâm, cộng hết người trên trấn và năm cái thôn ở quanh đó lại cũng không có mấy người có tiền nhiều đến mức cần túi để cất. Cái gì gọi là đất nghèo thì người cũng nghèo? Đó chính là người ta mặc một bộ quần áo rách đến mức không thể rách hơn được nữa, mùa đông vẫn đi một đôi giày thủng vài chỗ. Có vài người thậm chí còn không có cả giày, quần áo bốn mùa chỉ có một bộ. Có vài nhà đến nhà tranh cũng không có, một ngày chỉ ăn một bữa cháo cũng khó. Đó mới thực sự gọi là đất nghèo người cũng nghèo.

Còn chuyện chết đói thì cũng chẳng hiếm lạ gì. Trương Tiểu Oản lúc trước chính là chết vì đói đấy thôi.

Ở nơi này muốn ăn một miếng cơm khô cũng là vấn đề, ai còn đầu óc mà nghĩ tới chuyện mặc quần áo đẹp hay không, túi tiền cũng không cần nghĩ. Trương Tiểu Oản cũng không phải người ngây thơ. Nàng đến nơi quỷ quái này thì đã chấp nhận hiện thực. Hiện tại mùa đông ở nhà không làm gì thì nàng làm chút công việc may vá kiếm thêm chút gạo cũng là tốt rồi.

Đương nhiên, nàng cũng không dám nghĩ quá nhiều. Nàng biết cho dù nàng may hết quần áo cho người trong thôn, cộng thêm sửa quần áo cũ thì nhiều lắm cũng chỉ được 10 ống gạo. Có điều có ít còn hơn không.

*********

Lưu Tam Nương làm theo lời Trương Tiểu Oản dặn mà đi ra ngoài dạo một vòng. Lúc về bà cầm theo không ít vải người ta nhờ làm, còn có ít quần áo cũ muốn sửa chữa. Nhưng qua mấy ngày Trương Tiểu Oản mới nhận ra nàng đã nghĩ quá lạc quan rồi.

Trước đó nàng cho rằng bây giờ mọi nhà mới thu hoạch lương thực nên muốn kiếm chút gạo là không thành vấn đề. Nhưng nàng đã đánh giá sai tình hình trong thôn. Người như Chu thím, nàng làm hai ngày xong bộ quần áo cho trượng phu của bà, nhưng trước kia nhà họ từng mượn thóc nhà người ta nên làm gì còn dám xấu hổ lấy tiền công?

Nếu ngại không dám lấy thì chẳng phải là làm không công sao?

Còn sửa quần áo ư? Có một nhà từng cho nhà nàng mượn mấy đồng tiền cũng mang quần áo của cả nhà tới, vừa đủ năm bộ. Nàng sửa sửa, vá vá vài ngày, cuối cùng chỉ được nửa ống gạo. Nhưng nàng cũng không dám đòi thêm vì người ta sửa quần áo nhưng tự mang chỉ tới, lại có nhân tình trước đó nên ai còn dám nói gì.

Hơn nữa người ta cảm thấy nàng chỉ bỏ ra chút công sức, lấy nửa ống gạo đã là đủ rồi. Chẳng qua tay nghề của nàng quả thật không tồi nên người kia mới vui vẻ khen nàng một câu. Nhưng vài câu khen này cũng chẳng đổi được tiền, chỉ là lời nói thế thôi.

Cuộc sống chính là gian nan như thế, so với tưởng tượng còn khó hơn nhiều.

Trương Tiểu Oản giúp đỡ Lưu Tam Nương làm công việc may vá trong một tháng, mỗi ngày cầm kim không ngơi tay cũng chỉ kiếm được 6,7 ống gạo. Nhưng vẫn có chỗ tốt, giúp người khác may và sửa quần áo thì nàng cũng để dành được chút vải lẻ.

Bởi vì những người muốn làm quần áo đã tính toán kỹ rồi mới đưa vải đến cho họ làm. Thế nên khi quần áo may xong họ sẽ tới mang quần áo đi, còn vải thừa thì chẳng ai mở miệng hỏi. Chính bản thân họ cũng biết vải thừa kia chẳng còn bao nhiêu thế nên đống vải đó đều về tay Trương Tiểu Oản. Nàng dùng đống vải đó làm vài món đồ lót cho đứa nhỏ trong bụng Lưu Tam Nương, coi như đỡ được chút tiền.

Trương Tiểu Oản cũng phát hiện Lưu Tam Nương làm may vá không tồi, đường may tinh tế. Nói thực ra nàng nghĩ tay nghề của bà cũng không thua kém gì thợ chuyên nghiệp. Thảo nào lúc nàng đề nghị nhận công việc này thì bà cũng không nói gì. Bởi vì chính bản thân bà cũng có thể làm tốt.

*********

Đợi đến khi thời tiết lạnh hơn thì người cả thôn căn bản không hề ra ngoài, tất cả đều rúc trong nhà chờ đến lúc ăn tết, thời tiết ấm hơn.

Công việc may vá của Trương Tiểu Oản mới vừa phát triển cũng vì nguyên nhân này mà phải ngừng lại.

Nàng cũng phát hiện ra sau khi làm một hồi thì quần áo trong thôn cần sửa chữa may vá cũng chẳng còn bao nhiêu.

Nàng lại cảm thấy nếu chỉ dựa vào làm quần áo để phát tài trong phạm vi trấn Cam Thiện này thì đúng là nằm mơ giữa ban ngày.

Trong thôn cũng có mấy người già bị đông chết. Lần trước Hồng thím đưa quần áo đến sửa còn thở dài nói với Lưu Tam Nương rằng mùa đông này qua thì trong thôn sợ là sẽ thiếu đi không ít người.

Lúc ấy Trương Tiểu Oản nhìn Lưu Tam Nương sau khi được bồi bổ một tháng thì sắc mặt đã tốt hơn, cũng có chút huyết sắc. Nhìn bà ôm bụng to ngồi đó khiến lòng nàng trầm xuống.

Lương thực nhà bọn họ, kể cả lúa mới kiếm được cũng chỉ đủ ăn tiết kiệm đến hết năm. Sang đầu xuân mọi người sẽ lại phải làm lụng vất vả.