Ánh Trăng Không Chiếu Tới - Đông Dạ Tinh

Chương 49: Lời bộc bạch (Trần Phương, I)




Tôi nhìn cô con gái đang ngồi đối diện tôi, cuốn sổ đó đặt giữa tôi và con bé. Tôi rót cho con bé một cốc nước ấm, hai tay con bé chạm quanh thân cốc, cúi đầu không dám nhìn tôi.

Duyệt Duyệt không trưởng thành như Thanh Thanh mà đơn giản và cục cằn hơn nhiều. Tôi đã cố gắng chấm dứt nhiều tổn thương trong tôi để không ảnh hưởng đến con bé, cho nên có nhiều chuyện Duyệt Duyệt không biết, nhưng tôi nghĩ mình cần phải nói.

Từ khi còn rất nhỏ Duyệt Duyệt cũng tò mò về cha ruột, tôi chỉ nói rằng bố mẹ đã ly hôn và sẽ không liên lạc lại. Duyệt Duyệt không khám phá sâu thêm vì dường như con bé chưa bao giờ cảm thấy gia đình này không trọn vẹn, và đó là nhờ... Lâm Vận Thanh.

Thực ra là, tôi từng chạy trốn.

Tôi được sinh ra trong một gia đình nông thôn rất nghèo, đương nhiên cái nghèo đó là chuyện hết sức bình thường đối với một vùng nông thôn. Tôi là con gái lớn, sau có thêm hai em trai và một em gái. Thân là "chị cả", trời sinh tôi đã được giao phó cho trách nhiệm chăm sóc người khác, chăm sóc các em, chăm sóc cha mẹ, đó là lẽ đương nhiên bất di bất dịch, tôi không mảy may nghi ngờ.

Hồi còn ngồi trên ghế nhà trường tôi học hành rất giỏi, tuy chất lượng dạy học ở nông thôn không tốt lắm, nhưng tôi vẫn là người được thầy cô quý mến nhất trong số những học trò thời đó. Tôi thi cấp 3 được xếp hạng thứ nhất toàn thị trấn, sau đó...

Sau đó không còn sau đó nữa. Tôi học tổng cộng 8 năm, 5 năm tiểu học và 3 năm trung học cơ sở. Tôi coi vị trí đầu tiên đó là huân chương tốt nghiệp của mình. Làm gì còn sau đó? Không gia đình nào trong thị trấn có con gái học đến cấp ba, học hành chẳng có tác dụng gì, ai cũng biết một chân lý quá mức đơn giản như thế.

Vừa tốt nghiệp xong tôi vào thành phố làm công ăn lương, ở nhờ nhà của họ hàng xa, không cần trả tiền thuê nhưng thỉnh thoảng tôi có giúp họ lo liệu việc nhà và chăm sóc cháu trai nhỏ.

Tôi không thích cuộc sống như vậy, thực ra họ không đối xử tệ với tôi, tôi cũng không tính là ăn nhờ ở đậu người ta, chỉ là tôi quá căng thẳng, ở nhà không được yên, khó tránh khỏi phải nhìn mặt đoán ý, quan sát thái độ của mọi người mà sống.

Vì vậy khi gặp Trần Vĩ, tôi đã bất chấp đi theo anh ấy.

Ôi, lúc đó tôi còn quá quá trẻ. Trần Vĩ đẹp trai, tuy gia đình anh ấy không phải loại có tiền có quyền nhưng anh ấy cũng tốt, là người tuyệt nhất trong mắt tôi. Thêm việc vốn dĩ tôi đã muốn rời khỏi nhà người họ hàng, nên khi anh ấy chỉ mới chớm tán tỉnh tôi, tôi đã vội vàng đồng ý.

Anh là con trai út trong gia đình, trên có bốn chị gái và một anh trai. Về sau tôi nghe anh kể, một người chị bỏ nhà ra đi, một người chị tai nạn qua đời nên giờ chỉ còn lại hai người. Giọng điệu anh khi nói điều này rất thờ ơ, như thể đang thuật lại câu chuyện của người khác. Tôi nghe cũng cảm thấy không mấy to tát, bởi thời đó chúng tôi đã thấy nhiều thành quen.

Trần Vĩ và tôi phát sinh quan hệ trước hôn nhân, chỉ cần có thế tôi đã tự động nâng cấp bản thân từ bạn gái lên làm vợ mà không cần bất kỳ nghi lễ, lời thề hay sự cho phép nào của pháp luật, khiến cho sau này dù anh ta có đánh tôi, tôi cũng không bỏ đi.

Thậm chí trong cái ngày mà chúng tôi nhận giấy đăng ký kết hôn, anh ta đánh tôi chảy máu khắp người mà tôi vẫn bò dậy rửa mặt, tắm rửa cho sạch sẽ, chưa bao giờ nghĩ sẽ không kết hôn với anh ta nữa.

Đánh người là chuyện rất bình thường mà? Đàn ông nào mà chẳng bạo lực gia đình. Họ có nhiều việc phải bận tâm hơn phụ nữ chúng ta. Chúng ta chỉ cần chăm lo cho thế giới nhỏ gọi là nhà, còn họ phải ra ngoài kiếm tiền.

Khi nhỏ tôi nhìn cảnh bố đánh mẹ, đến bây giờ tôi bị Trần Vĩ đánh, đây là con đường ai cũng phải trải qua. Tôi tự an ủi mình.

Tôi "thuận lợi" kết hôn với anh và có thai ngay sau đó. Thời đó không được phép xét nghiệm giới tính thai nhi nữa, nhưng họ vẫn nhất quyết đặt một cái tên con trai cho đứa trẻ chưa chào đời là Trần Cẩn.

Nghĩ lại mới thấy, nếu lúc đó được phép xét nghiệm, sợ rằng đến nay thứ Duyệt Duyệt mất đi không chỉ là cái tên mà còn là tính mạng.

Đứa trẻ ra đời trong mong đợi của gia đình Trần Vĩ, nhưng chỉ trong một ngày tất cả đã thành những lời mỉa mai lạnh tình người.

Khi đăng ký tên khai sinh cho con, tôi hỏi Trần Vĩ, hay là thêm chữ "Duyệt" vào sau tên con nhỉ, mang ý nghĩa vui vẻ hạnh phúc. Hơn nữa cái tên cũ giống con trai quá. Trần Vĩ đáp, tùy tôi.

Cũng phải, Trần Vĩ đâu có để tâm, anh ấy hoàn toàn không quan tâm đến chính đứa con gái ruột của anh.

Cuộc sống của tôi cứ tăm tối trôi qua từng ngày. Trần Vĩ quen thói cờ bạc, hễ khi gặp chuyện không như ý là lại về nhà đánh vợ - đó cũng chỉ là chuyện xảy ra như cơm bữa ở nhà tôi. Trong một năm sau, tôi liên tục có thai thêm ba lần nhưng vì lý do chính sách một con nên tôi phải phá thai tại trạm xá địa phương. Mãi đến lần thứ ba, bác sĩ không thể chấp nhận thêm nữa, đặt cho tôi vòng tránh thai mà không nói cho tôi biết. Đến khi làm thủ thuật xong hết tôi mới biết chuyện, tôi không hiểu gì cả, chỉ biết sau này mình sẽ không phải chịu khổ nữa, bèn ấp úng đồng ý.

Cuộc sống vẫn phải tiếp tục. Tôi chờ đợi, đợi đến ngày Trần Vĩ trở tính tốt hơn, khoảng thời gian đó thực sự rất gian nan, tôi thường nghe người ta nói phải đợi đến 40, 50 tuổi anh ấy mới tốt lên được... mất lâu như vậy sao?

Cũng được mà, tôi thực sự đã định chờ đợi.

Nhưng xu hướng bạo lực gia đình nghiêm trọng của Trần Vĩ lại ngày một thêm tăng, tôi không biết cơ thể mình có chịu được đến năm 40-50 tuổi hay không.

Một đêm nọ, Trần Vĩ về nhà với nồng nặc mùi rượu trên người, tôi biết chắc chắn mình sẽ lại không trốn khỏi bị đánh đập, nào ngờ đến cả con gái ruột mà anh ta còn không tha. Lúc đó Duyệt Duyệt vẫn chưa biết nói, hắn ta say mèm, túm lấy chiếc chăn đang quấn trên người con bé lên, đập xuống đất.

"Trần Vĩ! Anh bị làm sao đấy!" Tôi nhanh chóng bò tới ôm con gái bảo vệ trong lòng. Con bé bật khóc dữ dội, không thể ngừng lại được, tôi chỉ biết cầu nguyện mong cho cơn đau vừa rồi chỉ là đau chứ không phải là điều gì khác, mong cho con bé không bị ảnh hưởng gì.

"Tôi bị làm sao? Chính tại mày đẻ ra thứ của nợ này mà tao bị bạn bè chê cười! Đến cả thằng Trần Quân cũng đè đầu cưỡi cổ tao!" Hắn gào lên, Trần Quân mà hắn đang nói đến là anh trai của hắn, Trần Vĩ đã quen bắt nạt Trần Quân từ nhỏ, cậy mình là con út được cả nhà yêu chiều, không ngờ lần đầu tiên trong đời lại thua cuộc vì Trần Quân có một đứa con trai. Thật nực cười.

Tôi lại bị đánh dở sống dở chết, vừa trốn vừa bảo vệ Trần Cẩn Duyệt trong lòng. Lần đầu tiên tôi nảy ra ý nghĩ rằng không thể tiếp tục sống như thế này nữa. Đã hơi muộn, tôi biết. Tôi cũng hận bản thân vì đã cam chịu.

Nhưng tôi có thể đi đâu? Tôi nghĩ mình không còn được chào đón ở chính gia đình nhà tôi nữa, nhưng tôi vừa không có việc vừa không có tiền. Tôi có thể trốn đi đâu?

Tôi đã suy nghĩ rất lâu, trong khoảng thời gian đó lại thêm hai lần Trần Vĩ muốn động tay động chân với Duyệt Duyệt, tôi phải lấy thân mình ra bảo vệ con, trong lòng biết rõ nếu không chạy thì sớm muộn gì Trần Cẩn Duyệt cũng sẽ có chuyện.

Thế là tôi lên kế hoạch một thời gian, vào một ngày khi anh ta lại ra ngoài uống rượu, tôi đã trộm tất cả số tiền tìm được, cho một ít đồ đạc vào chiếc túi vải lanh, ôm Trần Cẩn Duyệt ra ga tàu lửa.

Thấy có chuyến xe buýt sắp chạy tới Hải Thành, tôi nhanh chóng mua vé rồi chen lên xe, không hề quay đầu lại.

Kể ra cũng thật trùng hợp, khi đó Duyệt Duyệt vừa tròn 10 tháng tuổi, trên chuyến tàu đó là lần đầu tiên con bé thốt ra những âm tiết không rõ ràng, nghe con bé bập bẹ gọi tôi là "mẹ", nước mắt tôi chợt trào ra, tôi thầm thề rằng cả đời này phải cho con bé được lớn lên trong hạnh phúc, mong con không phải trải qua những gì tôi từng trải qua, tôi muốn con bé được vui vẻ như cái tên đã đặt.

Đến Hải Thành, tôi lẩn trốn khắp nơi vì sợ bị phát hiện - hoặc có lẽ do tôi nghĩ nhiều, có lẽ trong số những thứ bị mất, điều họ quan tâm nhất là số tiền bị tôi lấy đi.

Mà việc tôi ở nhà khách chăm sóc Trần Cẩn Duyệt gần như là không thể,  tôi còn không biết bản thân mình phải sống sót như thế nào.

Sau đó tôi tìm được việc làm trong một công trường xây dựng. Ban đầu họ không cần tôi, tôi phải nuôi một đứa con nhỏ, cũng không làm được việc nặng nhọc, sức không khỏe như đàn ông. May thay có người nói hộ tôi vài lời, chỉ ra một con đường tốt thì họ mới miễn cưỡng đồng ý. Người đó chính là cha của Lâm Vận Thanh, Lâm Thành Kiến.

Lâm Thành Kiến là một người bình thường, anh ấy rất tốt bụng, và đôi khi hơi nhu nhược - giống tôi trước đây. Khi đã quen thân hơn, tôi được biết anh ấy có một cô con gái 7 tuổi, sống ở ngoại ô Hải Thành. Lâm Thành Kiến có ý muốn chung sống với tôi, nhưng tôi vừa trốn thoát nên chưa muốn bước vào một cuộc hôn nhân mới, cho đến một ngày anh ấy hỏi tôi, tôi có bao giờ nghĩ Duyệt Duyệt sẽ đi học thế nào nếu con bé không có hộ khẩu không?

Tôi cứ tưởng anh ấy lấy cái cớ đó ra để xúi giục tôi, nhưng không ngờ là anh ấy muốn trao đổi. Anh ấy nói có cách giúp tôi làm hộ khẩu, đổi lại là muốn tôi về nhà cùng anh để chăm sóc con gái và mẹ già.

Lúc đó tôi không đồng ý, tôi nghĩ phải mấy năm nữa Duyệt Duyệt mới đến độ tuổi đi học, biết đâu còn có nhiều cơ hội xoay chuyển khác?

Cho đến một đêm nọ, Trần Cẩn Duyệt đột nhiên sốt cao, tôi đưa con bé đến bệnh viện, Lâm Thành Kiến đi cùng tôi. Tôi nhận ra rằng không có thông tin cá nhân khiến ngay cả việc lấy số xếp hàng cũng trở nên vô cùng rắc rối, mà trẻ nhỏ khi sốt lên thì dù nặng hay nhẹ đều không thể trì hoãn dù chỉ một giây. Hôm đó chính anh ấy là người đã giúp tôi giải quyết sự việc, anh nói rằng anh không có tài cán gì, nhưng anh đã sống ở Hải Thành vài chục năm, cũng có vài cách lách luật.

Từ đêm đó trở đi, tôi mới bắt đầu suy nghĩ về lời anh nói.

Không lâu sau, tôi được Lâm Thành Kiến đưa về nhà anh ấy.

Lần đầu tiên gặp Lâm Vận Thanh, ấn tượng đầu của tôi là cô bé trưởng thành quá sớm, nói gì hay làm gì cũng cẩn thận dè chừng. Trước khi chào tôi, cô bé nhìn bố trước, sau đó nhìn sang bà nội, rồi cẩn thận chào: "Con chào cô Trần".

Vừa nhìn tôi đã biết cô bé đang quan sát, vì tôi cũng đã từng như vậy. Nhưng lúc đó tôi đang ở nhà họ hàng xa nên đó là điều bắt buộc, còn cô bé thì sao? Cô bé đang sống trong chính ngôi nhà của mình, tại sao lại thế này? Lúc đó cô bé mới hơn 7 tuổi.

Tôi nghĩ cô bé thông minh, nhưng không dám tin tưởng.

Nhưng Duyệt Duyệt lại rất quấn quýt cô bé, lúc nào cũng đòi được cô bé ôm vào lòng mới cười tươi. Cô bé không bao giờ từ chối, điều gì cũng chiều theo Trần Cẩn Duyệt. Nhưng tôi không yên tâm, sợ đây là cách cô bé nịnh lấy lòng người lớn nên tôi luôn để mắt tới họ.

Không lâu sau, tôi lấy được sổ hộ khẩu, chủ hộ là tôi, cột tình trạng hôn nhân ghi là đã ly hôn, trang thứ hai là Trần Cẩn Duyệt, mục quan hệ với chủ hộ ghi là con gái, lòng tôi được nhẹ nhõm phần nào. Trước đây Lâm Thành Kiến hỏi tôi có muốn đổi tên cho con gái không? Tôi suy nghĩ một lúc, rồi nói không, nhưng kể từ ngày đó, họ của con tôi là Trần trong Trần Phương, không còn là Trần trong Trần Vĩ nữa.

Sau đó tôi rời công trường và ở lại nhà Lâm Thành Kiến chăm sóc gia đình thay anh ấy, đóng vai trò tương tự như một người vợ. Có hai lần anh ấy hỏi ý tôi về chuyện kết hôn, hoặc sinh thêm một đứa nữa, tôi đều từ chối với lý do vẫn còn quá sớm.

Qua khoảng thời gian chung sống với Thanh Thanh, tôi dần dần hiểu được những cảm xúc sâu kín trong nội tâm cô bé. Dù trưởng thành đến mấy thì cô bé vẫn chỉ là một đứa trẻ, có một số điều không thể giấu kín hoàn toàn.

Tôi nhận thấy ý thức về chừng mực mạnh mẽ ở cô bé, không chỉ về việc không bị người khác xúc phạm mà còn không muốn làm mích lòng người khác. Vì vậy, cô bé đều từ chối mỗi lần tôi bày tỏ sự quan tâm, tôi hỏi cô bé đồ ăn tôi nấu có ngon không? Cô bé luôn nói là ngon. Tôi hỏi cô bé hôm nay muốn ăn gì? Cô bé sẽ xem qua những nguyên liệu hiện có ở nhà, và sẽ nói dựa trên những gì có sẵn.

Tôi hỏi cô bé mùa đông có lạnh không? Có muốn tôi đan cho một chiếc áo len không? Cô bé do dự một lúc rồi nói không cần đâu ạ, cảm ơn cô Trần. Nhưng tôi vẫn đan cho cô bé chiếc áo len màu xanh đậm. Tôi tự hỏi, trong lúc do dự đó có phải cô bé rất muốn nói "Có ạ"? Chỉ là cuối cùng cô bé đã thuyết phục được bản thân nói lời từ chối.

Trần Cẩn Duyệt đang lớn lên từng ngày, số lần con bé dính lấy Thanh Thanh nhiều hơn số lần bám lấy tôi. Cả ngày con bé chỉ gọi "Chị Thanh Thanh, chị Thanh Thanh", rồi theo sau cô bé như một cái đuôi. Lâm Vận Thanh sợ con bé không theo kịp, thế là đứng lại chờ, thỉnh thoảng còn ngồi xuống hẳn nền nhà chơi với Trần Cẩn Duyệt, tôi nói sàn nhà lạnh lắm, con ngồi lên ghế đi, cô bé nói không sao, ngồi vậy Duyệt Duyệt sẽ nhìn con dễ hơn.

Sự tin tưởng của tôi dành cho cô bé tăng dần theo năm tháng, rồi một ngày suýt nữa thì vì tôi mà cô bé cãi lại bà nội, đó là khi tôi biết cô bé đã thực sự quý tôi. Bấy lâu nay cô bé luôn dè dặt và cẩn thận để cuộc sống của bản thân suôn sẻ hơn, nhưng khi đó, vì tôi mà cô bé đã nảy sinh tâm lý muốn bảo vệ tôi, khi mới còn nhỏ đến vậy. Tôi thấy cứ như mình có thêm một đứa con gái. Mà những lời mỉa mai châm chọc của mẹ Lâm Thành Kiến đối với tôi mà nói, thực sự chẳng thấm vào đâu.

Sự êm đềm mong manh ấy cuối cùng đã bị phá vỡ bởi cuộc tai nạn của Lâm Thành Kiến. Khi biết tin, cả người tôi bàng hoàng. Sau đó Thanh Thanh vội vã từ trường về nhà, nước mắt không kìm được mà rơi xuống. Duyệt Duyệt vốn đang đứng dưới chân tôi, nhưng khi nhìn thấy Lâm Vận Thanh khóc, con bé lập tức chạy đến bên Thanh Thanh, túm lấy ống quần của chị và gọi tên chị. Tôi nghĩ chắc hẳn con bé đã sợ hãi trước những giọt nước mắt của chị.

Sau khi bình tĩnh lại, tôi biết tôi lại gặp phải ngã rẽ cuộc đời thêm lần nữa. Tôi đã trải qua bao nhiêu lần lựa chọn, từ kết hôn, bỏ trốn cho đến chuyển vào nhà Lâm Thành Kiến, bước tiếp theo sẽ là gì? Cả đêm tôi mất ngủ, tôi biết chắc chắn rồi tôi sẽ đi khỏi đây, chỉ là lòng trắc ẩn của tôi không thể lặng tiếng, không còn Lâm Thành Kiến, tôi thì rời đi, Lâm Vận Thanh sẽ ra sao?

Mẹ của Lâm Thành Kiến mắng chửi Thanh Thanh nhiều ngày liên tiếp, chẳng cần biết đúng sai mà chỉ màng trút giận, đến mức ngược đãi cảm xúc chứ chẳng chơi. Tôi không thể ngoảnh mặt làm ngơ, đó là lần đầu tiên tôi lên tiếng vì Thanh Thanh, và thế là bà ta yêu cầu tôi đưa Lâm Vận Thanh đi.

Tôi im lặng.

Trong sự im lặng của tôi, Lâm Vận Thanh quay về phòng. Trần Cẩn Duyệt nắm lấy tay Thanh Thanh, cô bé do dự nhưng vẫn quyết định rụt về, đóng chặt cửa lại giữa tiếng khóc của Trần Cẩn Duyệt.

An táng Lâm Thành Kiến xong, tôi nghĩ mình đã hoàn thành trách nhiệm, đã đến lúc phải rời đi. Hôm đó tôi dỗ Trần Cẩn Duyệt đi ngủ, trước khi đi ngủ con bé hỏi tôi, chị Thanh Thanh đâu? Tôi nói chị Thanh Thanh đang ở nhà, con ngủ trước đi, tỉnh dậy sẽ thấy chị ngay ấy mà, ngoan.

Tôi không nỡ nói với con bé rằng, sau này có thể sẽ không bao giờ gặp lại chị Thanh Thanh nữa... Nếu có khả năng thì chắc chắn tôi sẽ không hề do dự mà đưa Thanh Thanh đi, nhưng chính bản thân tôi còn vất vưởng vô định, còn phải nuôi sống Trần Cẩn Duyệt mới hơn 3 tuổi, làm sao tôi có thể?

Tôi gõ cửa phòng Lâm Vận Thanh, quyết định báo với cô bé về cái tin tôi sắp đi. Khi cô bé mở cửa ra, trên mặt vẫn còn vệt nước mắt, rồi ngồi xổm trong góc tường hỏi tôi Duyệt Duyệt đâu ạ? Tôi nói đang ngủ. Cô bé không nói gì nữa.

Tôi lại gần, cũng ngồi xuống nền nhà như cách cô bé thường chơi đùa với Duyệt Duyệt, đối diện với cô bé - Cô bé nói đúng, như vậy sẽ nhìn vào mắt nhau dễ hơn. Lúc đó mắt Thanh Thanh vừa đỏ vừa sưng vì khóc, tôi muốn đưa tay ra lau nước mắt cho nhưng bị cô bé từ chối. Dường như cô bé chỉ mong tôi mau chóng nói ra câu trả lời, kết thúc nhanh cho xong.

Tôi nhìn thấy bức ảnh trên tay Thanh Thanh, đó là mẹ cô bé. Có lẽ cô bé chưa được nhìn thấy mẹ bao giờ, ngay lúc đó tôi thấy sao mà bi thương thế, chắc sẽ không còn ai để cô bé có thể giãy bày nỗi buồn, không biết cô bé sẽ nói gì với mẹ khi cầm bức ảnh trên tay? Lẽ nào cô bé sẽ hỏi, tại sao mẹ sinh ra con rồi lại bỏ con mà đi, tại sao cuộc đời con lại thế này, rõ ràng đã cố gắng làm tốt hết sức có thể nhưng vẫn không được ai yêu thương?

Nghĩ đến đây, tim tôi thắt lại.

Tôi nghĩ về bản thân mình khi mới 10 tuổi, cô em gái út của tôi chào đời khi tôi còn đang đi học, tôi sống trong hoàn cảnh bất công mà không hề nhận ra, hoàn toàn chỉ coi như người ngốc có phước của người ngốc. Nhưng về phần Thanh Thanh, mới 7 tuổi mà cô bé đã có tính kiềm chế và dè dặt. Chỉ với cử chỉ quan tâm rất bình thường và ít ỏi trao đi trong hai năm vừa qua, tôi có thể cảm nhận rõ sự mãn nguyện của cô bé. Cô bé ngoan ngoãn đến thế, không đáng phải lau mặt bằng nước mắt mới đúng, cô bé thực sự không còn lại gì ngoài một tấm ảnh của người mẹ mà ngay bản thân cũng chưa từng được gặp, để an ủi chính mình.

Không thể nói lời tạm biệt nữa, tôi đặt lại bức ảnh vào tay cô bé. Đây là lần bốc đồng lần thứ hai trong đời tôi.

Lần trước là quyết định đi cùng Trần Vĩ, tôi đã thua thiệt một cách thật tệ hại, suýt nữa bỏ lại mạng sống của mình và Trần Cẩn Duyệt. Lần này tôi quyết định để Lâm Vận Thanh đi cùng tôi, tôi nói Duyệt Duyệt cần một người chị gái... Và trong ánh mắt kinh ngạc của cô bé, tôi càng kiên định hơn bao giờ hết. Đời tôi đã đến bước này, còn có thể tệ hơn được đến đâu? Nếu tôi đưa cô bé đi, cô bé chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều. Một lần nữa tôi lại đặt cược với số phận.

May thay, lần này tôi là người được chiếu cố.

Tôi nói được chiếu cố, không phải là về mặt tiền bạc. Xét từ góc độ thiết thực, Lâm Vận Thanh đã thay tôi chăm sóc Duyệt Duyệt rất tốt, có thể giúp đỡ mọi việc ở nhà từ nhỏ đến lớn, không bao giờ để tôi phải bận lòng. Mặc dù tôi luôn khuyên cô bé cần đặt việc học lên hàng hàng đầu nhưng cô bé luôn nói rằng không cảm thấy mệt khi chăm sóc em gái.

Tù góc độ duy tâm, cô bé đã cho tôi niềm hy vọng vào cuộc sống, khiến tôi cảm thấy mọi thứ sẽ tốt lên thôi, cô bé cho Duyệt Duyệt được lớn lên trong tình yêu thương, và tôi cũng hết lòng coi Lâm Vận Thanh như đứa con mình dứt ruột đẻ ra.

Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên khi Lâm Vận Thanh gọi tôi là "Mẹ", hôm đó có lẽ cô bé mệt quá, tôi về đến nhà thì thấy cô bé đang nằm sấp ngủ quên trên chiếc bàn gấp, bát còn chưa kịp rửa. Tôi gọi cô bé dậy, bảo cô bé lên giường mà ngủ, cô bé mơ mơ màng màng ngồi dậy, dụi mắt nói: "Mẹ, mẹ về rồi à."

Cả hai chúng tôi đều sững sờ. Nói xong, cô bé đột nhiên tỉnh ngủ, mặt đỏ bừng lên, còn tôi thì không kìm nổi nụ cười bên khoé môi, tôi nói: "Ừ, mẹ về rồi đây."

Tôi hạnh phúc từ tận đáy lòng, cuộc sống dù nghèo khó hay gian khổ cũng chẳng là gì so với trong tim có hy vọng. Tôi cố gắng từng ngày với niềm tin rằng "mọi chuyện sẽ tốt lên thôi". Tôi nuôi hai cô con gái, bỗng nhiên cũng từ bỏ ý định tái hôn - không cần thiết nữa - tôi quay lại làm việc ở công trường, đồng thời thi thoảng đánh mạt chược cũng trở thành một trong những nguồn thu nhập của tôi.

Tôi chứng kiến hai chị em cùng nhau lớn lên, hai đứa thân thiết hơn cả chị em ruột thịt, ngay cả khi Trần Cẩn Duyệt đến giai đoạn tuổi nổi loạn, Lâm Vận Thanh vẫn hết lòng yêu thương và chăm sóc em, và cũng như vậy đối với tôi. Không biết tìm đâu ra cho được một đứa con gái ngoan đến vậy, tôi hết sức mừng vì quyết định bất chợt chuyển hướng trong phút chót lúc đó đã xảy ra.

Tôi hy vọng hai đứa vẫn sẽ hoà thuận bên nhau cho đến khi tôi đến tuổi nghỉ hưu, dù sau này hai đứa chọn kết hôn hay độc thân gì cũng được. Tôi chưa bao giờ quên kỳ vọng mà tôi từng gửi gắm trong chữ "Duyệt", mong cầu lớn nhất của tôi chính là niềm hạnh phúc của hai đứa con tôi.

Tại sao tất cả lại thay đổi? Cho đến tận nay tôi vẫn tránh nghĩ lại chuyện tối hôm đó. Khi về đến nhà, tôi nhìn cánh cửa mở toang, trên tủ giày có quà và hoa.

Có tiếng động mà tôi không thể tin được phát ra từ phòng ngủ, dù có cố gắng hợp lý hoá thế nào đi chăng nữa cũng không thể tự lừa nổi chính mình.

Lúc này tâm trí tôi lại quay về cái đêm đó, trong hô hấp căng thẳng và ánh mắt nhìn nhau của tôi và Thanh Thanh, không ai nói một lời.

Tuổi mười tám của Trần Cẩn Duyệt, tôi muốn hỏi hai cô con gái của mình, mọi chuyện đã bắt đầu như thế nào?

Bây giờ đã bảy năm trôi qua, cuối cùng tôi không còn trốn được nữa.